Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu việc sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp, tình trạng làm dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ vẫn còn khá phổ biến và đã gây nên những tác hại đến môi trường, sức khỏe của nông dân và mất an toàn thực phẩm. Trong những năm gần đây, CISDOMA đã có nhiều hoạt động để giải quyết vấn đề này.
Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), ở Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc BVTV với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Đầu năm 2019, tòa án Mỹ phán quyết chất glyphosate thành phần chính trong thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có liên quan đến ung thư. Sau đó, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã ban hành quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm đó Việt Nam vẫn còn 5 triệu lít thuốc diệt cỏ chứa Glyphosate trên thị trường.
Thuốc BVTV được treo trên vách nhà gần bể nước sinh hoạt của gia đình và được để lẫn với các vỏ chai lọ khác gần khu vực bể nước
Theo thống kê, hiện nay mỗi năm nông dân Việt Nam vẫn còn sử dụng hàng trăm nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật, với khoảng 30% là thuốc diệt cỏ. Đáng chú ý là nông dân thường ít quan tâm đến các biểu tượng thông báo về độc tính có trên bao bì và không hiểu biết về độc tính của các loại thuốc BVTV mà họ đang sử dụng mà thường chỉ quan tâm đến hiệu quả của thuốc đối với cây trồng và yếu tố tài chính. Phần lớn nông dân muốn sử dụng thuốc BVTV với liều cao hơn khuyến cáo trên nhãn thuốc để thuốc tác dụng mau hơn và hiệu quả tức thì. Khảo sát của CISDOMA năm 2019 với 300 hộ dân thuộc 3 xã huyện Tam Đường, Lai Châu cho thấy: có 99% số nông dân được hỏi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 100% đều sử dụng thuốc hóa học, chỉ có 9% có sử dụng thuốc sinh học an toàn. Đặc biệt là trong số đó, chỉ có 10% sử dụng đúng khi có khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, 92% tự phun khi có sâu bệnh và thậm chí 27% phun dự phòng thường xuyên ngay cả khi không có sâu bệnh. Tương tự như vậy, có 95% số nông dân được hỏi có sử dụng thuốc trừ cỏ trong trồng trọt, trong đó chỉ có 4% sử dụng đúng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, 88% phun khi thấy có cỏ và 39% phun dự phòng thường xuyên ngay cả khi ít cỏ.
Người dân dùng bình phun thuốc cầm tay không sử dụng bảo hộ lao động
Thói quen canh tác phụ thuộc vào hóa chất là điều đáng lo ngại, bởi việc lạm dụng quá nhiều hóa chất trên ruộng vườn, chính bà con nông dân sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên và sau đó là người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp. Vào cuối năm 2018, một kết quả xét nghiệm từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, có 31/67 người dân thuộc bốn huyện ngoại thành Hà Nội đang có thuốc BVTV tồn dư trong máu. Theo VOV, từ 2017 đến tháng 5 2019, riêng tỉnh Sơn La đã xảy ra 462 vụ ngộ độc liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt vụ ngộ độc do uống nước có thuốc trừ cỏ xảy ra tại huyện Mộc Châu năm 2018 đã làm 78 người phải cấp cứu.
Vỏ thuốc vứt trên đồng gần mương nước tưới, cạnh bờ suối lẫn với rác thải sinh hoạt
Trong nỗ lực giảm thiểu tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ đến sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng, CISDOMA đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm tìm hiểu thực trạng, thay đổi thói quen sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như:
Năm 2018 – 2019, CISDOMA đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về cây trồng nhiệt đới (CIAT), Viện giáo dục và Quản lý nước UNESCO-HEI, Hà Lan, Viện Nghiên Cứu Khoa học Kỹ thuât Thủy sản Thụy Sỹ (EWAG) thực hiện nghiên cứu về “Quản lý rủi ro về sử sụng thuốc hóa học ảnh hưởng đến tầng nước mặt tại Việt Nam”. Khảo sát thực địa về ảnh hưởng của thuốc BVTV đến nguồn nước tại 25 điểm GIS thuộc 11 xã của Tam Đường và 2 xã thuộc TP Lai Châu. Hình ảnh, hình ảnh quan sát mô tả thực địa về hiện trạng nguồn nước tưới, thói quen sử dụng thuốc BVTV của người dân đã được ghi lại; mô hình hóa về mức độ ảnh hưởng của thuốc BVTV tới môi trường và rủi ro sức khỏe của người dân các bản cũng được thực hiện.
Đầu năm 2020, CISDOMA phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về cây trồng nhiệt đới (CIAT), Viện Y tế Công cộng và Nhiệt đới Thụy Sĩ (Swiss TPH), Viện kinh tế Xã hội tỉnh Cần Thơ (CISED) điều phối việc thực hiện Nghiên cứu “ Đánh giá rủi ro sức khỏe con người và môi trường của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam” nhằm tìm hiểu nhận thức của người nông dân về những nguy hại của thuốc BVTV đối với môi trường và sức khỏe của người sử dụng thuốc hóa học trong nông nghiệp nhằm cải thiện kiến thức về phơi nhiễm thuốc hóa học và sự ảnh hưởng đến sức khỏe của người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như thúc đẩy sự cải tiến và chiến lược giúp giảm thiểu phơi nhiễm thuốc.
Sử dụng ứng dụng trên điện thoại để lập bản đồ sử dụng thuốc BVTV qua định vị vệ tinh GIS
Nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe của nông dân, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất và an toàn thực phẩm CISDOMA đã huy động nguồn tài trợ từ Heineken, tổ chức Bánh Mỳ cho thế giới (BftW) để triển khai nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vật tư cho nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu việc sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp, hỗ trợ thu gom và xử lý đúng cách vỏ chai lọ thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ và các chất thải nông nghiệp khác trên địa bàn huyện Tam Đường, Lai Châu, Điện Bàn, Quảng Nam.