Nguyễn Mộng Cường

Trung tâm nghiên cứu Biến đổi Khí hậu và Phát triển Bền vững

Chăn nuôi gia súc là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Khí nhà kính (KNK) bao gồm khí CH4 và N2O được phát thải thông qua quá trình tiêu hóa thức ăn, thải phân và lưu giữ chất thải của gia súc.

Do nhu cầu phát triển trong tiêu dùng và xuất khẩu, đàn gia súc của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, lượng phát thải KNK của chăn nuôi gia súc cũng tăng nhanh. Theo Thông báo quốc gia 2 của Việt Nam cho Công ước Khí hậu được hoàn thành năm 2010 thì lượng phát thải KNK của chăn nuôi là 11,2 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm tỉ trọng 17% lượng phát thải khu vực nông nghiệp vào năm 2000, sẽ tăng lên  22 triệu tấn CO2tđ vào năm 2020, và 27 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030, chiếm tỉ trọng 36% lượng phát thải KNK khu vực nông nghiệp.

Kiểm kê KNK khu vực chăn nuôi với độ tin cậy cao trở thành vấn đề cấp bách và thiết yếu trong thực hiện kiểm kê KNK quốc gia nói chung và phát triển các dự án giảm nhẹ KNK trong nông nghiệp nói riêng.

Từ trước đến nay, việc tính toán kiểm kê KNK trong khu vực chăn nuôi của Việt Nam được thực hiện theo phương pháp của IPCC, với công thức tính như sau như sau:

                            Ea   =    Pa  ×   EFa ×  10 -³

Ea:    lượng CH4 phát thải từ gia súc “a”  (Nghìn tấn /năm)

Pa:    số lượng gia súc “a” (× 1000 con)

EFa: hệ số phát thải CH4 của gia súc “a” (kgCH4/con/năm)

10 -³  :  Hệ số chuyển đổi (sang Nghìn tấn)

Trong đó, các Hệ số phát thải EFa  cho các loại gia súc nói chung và trâu, bò nói riêng vẫn dựa trên trị số hệ số phát thải (HSPT) mặc định do IPCC đưa ra cho khu vực Châu á, mà không có các HSPT riêng theo đặc tính của đàn gia súc trong nước, do vậy độ tin cậy của kết quả tính toán không cao. Mặt khác, việc sử dụng các HSPT mặc định của IPCC sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu về “ Báo cáo được, Đo đạc được và Xác minh được- viết tắt là MRV” khi thực hiện dự án giảm nhẹ KNK.

IPCC luôn khuyến cáo các nước xây dựng các HSPT của quốc gia mình, nhất là đối với các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi và khu vực chăn nuôi được đánh giá là nguồn phát thải chính (key source) như Việt Nam. Hơn nữa, thực thi chương trình giảm nhẹ KNK tự nguyện đối với chăn nuôi gia súc có yêu cầu tài trợ của quốc tế cũng phải xây dựng hệ thống kiểm kê KNK riêng trên cơ sở các HSPT theo điều kiện và hoàn cảnh của quốc gia.

Nghiên cứu này đưa ra các tính toán xây dựng HSPT quốc gia và kiểm kê KNK cho chăn nuôi đàn bò, trâu theo các HSPT nói trên. Đàn bò, trâu cũng là đàn gia súc sinh ra lượng KNK chiếm tỉ lệ gần 70% lượng KNK trong chăn nuôi của Việt Nam.

  1. Phương pháp luận:

1.1 Sử dụng phương pháp bậc 2- IPCC về kiểm kê KNK khu vực chăn nuôi (Tier 2) bao gồm xây dựng HSPT quốc gia và thu thập số liệu hoạt động chi tiết. Trong đó, Hệ số phát thải (HSPT) của tiêu hóa thức ăn gia súc là biến số của GE (Gross Energy: Năng lượng gia súc cần cho quá trình duy trì, sinh trưởng, ra sữa, kiếm thức ăn, sinh sản, lao tác…, đơn vị tính là MJ/gia súc/ ngày); Trong khi đó, hệ số phát thải (HSPT) của chất thải gia súc là biến số của GE và MS% (tỉ lệ % chất thải gia súc theo các loại kiểu thu gom).

1.2 Các số liệu đầu vào xây dựng HSPT và số liệu hoạt động cho kiểm kê KNK được thu thập, đánh giá, kiểm tra so sánh từ các nguồn thông tin của các Cơ quan Nhà nước (Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT), các Viện nghiên cứu như Viện Chăn nuôi, Viện Chiến lược và Phát triển NN&NT và các Trung tâm Nghiên cứu khác. Trong quá trình kiểm tra, các nguồn số liệu khác như nguồn số liệu từ FAO cũng được sủ dụng tham khảo.

1.3 Sau khi xây dựng các HSPT của quốc gia, tiến hành tính toán kiểm kê KNK của chăn nuôi trâu bò Việt Nam. So sánh kết quả này với các kết quả tính toán KNK sử dụng các HSPT mặc định của IPCC.

  1. Kết quả

2.1 Số liệu hoạt động về đàn gia súc trâu bò.

Sau khi có số liệu về số lượng chung của gia súc như trâu, bò của năm kiểm kê,  những số liệu chi tiết sau cần được thu thập và phân tích:

– Phân đàn gia súc (Sub-categories). Đàn trâu bò được phân chia các phân đàn: Bò sữa, bò thịt trưởng thành, bê, trâu trưởng thảnh và nghé.

-Đối với mỗi phân đàn, số liệu về trọng lượng (kg), cách thức nuôi dưỡng, tỉ lệ sinh sản, lượng sữa, tỉ lệ mỡ sữa, số giờ lao tác, tỉ lệ tiêu hóa… của gia súc được thu thập, phân tích.

-Đồng thời số liệu về cách thức thu gom, quản lý chất thải gia súc được thu thập, đánh giá.

Bảng 1: Số liệu đặc tính đàn và GE của  trâu, bò

Gia súc Phân đàn Trọng lượng  TB (kg) Tỉ lệ trong phân đàn Tỉ lệ sinh sản (%) Lượng sữa TB ngày (l/ngày) Tỉ lệ mỡ trong sữa (%) Cách thức nuôi dưỡng Giờ lao tác (giờ) GE (MJ/day)
Bò sữa Bò sữa 330 100% 70 4.03 4% Chuồng trại 0 135.2
 

 

Bò trưởng thành 255.5 80% 17.5 0.175 0 Chuồng trai/chăn thả 0.1 84.8
  120 20% 0 0 0 Chuồng trai/chăn thả 0 55.9
 

 

Trâu

Trâu trưởng thành 382.5 90% 12.5 0.125 0 Chuồng trai/chăn thả 0.674 136.4
  Nghé 180 10% 0 0 0 Chuồng trai/chăn thả 0 82.4

 Năm 2008, lượng sữa TB ngày của đàn bò sữa là  5,1 l/ngày/đầu.

Nguồn: Chiến lược Phát triển Chăn nuôi đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2008

2.2 Một số hệ số trong tính toán như hệ số duy trì, tiêu hóa, sinh sản, sinh trưởng, chỉ số chuyển đổi và tiềm năng sản sinh mê tan…đã được sử dụng rộng rãi trong các tính toán phát thải sẽ được áp dụng trong nghiên cứu này.

2.3 Hệ số phát thải: Trên cơ sở số liệu bảng 1, đã tính toán HSPT về tiêu hóa thức ăn và chất thải gia súc của phân đàn bò và trâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Đàn bò Việt Nam mặc dầu đã được lai tạo giống và cung cấp thức ăn khá tốt, tuy nhiên do  trọng lượng đàn bò sữa, bò thịt và sản lượng sữa còn thấp hơn so với các nước trong khu vực, vì vậy HSPT tiêu hóa thức ăn cũng có xu thế thấp hơn so với các HSPT của IPCC đề suất cho các nước trong khu vực khoảng 3-5%. Riêng thành phần đàn bò thịt với khoảng 70% là bò vàng địa phương, trọng lượng đàn thấp, tỉ lệ tăng trọng không cao, do đó HSPT cũng có giá trị thấp hơn hẳn so với HSPT mà IPCC đễ ra. Đàn trâu cũng có tính trạng tương tự tuy nhiên sự sai khác không lớn như sự sai khác về HSPT của đàn bò thịt.

HSPT của chất thải phụ thuộc chủ yếu vào hình thức lưu giữ chất thải gia súc, nhìn chung sự lưu giữ phân thải trâu, bò của Việt Nam phục vụ làm phân bón cây trồng dưới dạng khô hay ướt không lớn, số phân thải trên bãi chăn thả còn chiếm một tỉ lệ đáng kể, do vậy HSPT nhìn chung thấp hơn so với HSPT do IPCC cung cấp.

2.4 Kiểm kê tính toán lượng phát thải KNK đàn bò trâu năm 2000 và 2008.

Kiểm kê KNK đàn trâu bò năm 2000 đã được tính toán trong Thông báo quốc gia 2, căn cứ các HSPT của IPCC cho khu vực Châu á; kết quả kiÓm kª sẽ được so sánh với kiểm kê KNK được tính toán sử dụng các HSPT của nghiên cứu này (Bảng 2). Số liệu Bảng 2 cho thấy nếu tính  theo các HSPT của IPCC thì lượng KNK của đàn trâu bò năm 2000 có trị số cao hơn so với tính toán theo HSPT trong nghiên cứu này là 59 nghìn tấn CH4, tương đương với 1,2 triệu tấn CO2. Lượng chệnh lệch này so với lượng phát thải của đàn gia súc trâu bò là 19,5%.

Bảng 2: Lượng phát thải KNK của đàn trâu bò năm 2000, tính theo HSPT của IPCC và HSPT của nghiên cứu này.

Đơn vị: nghìn tấn CH4

Lượng phát thải (nghìn tấn CH4) Theo HSPT tính theo nghiên cứu này Theo HSPT của IPCC cho Châu á
  Tiêu hóa thức ăn Chất thải Tổng số Tiêu hóa thức ăn Chất thải Tổng số
Bò sữa 1,9 1,1 3 2,1 0,9 3
Bò trưởng thành 110 11 121 145 7 152
18 2 20 36 2 38
Trâu trưởng thành 140 8 148 143,3 7,7 151
Nghé 9,5 0,5 10 15,9 1,1 17
Tổng số      

302

 

    361

Chúng tôi cũng đã tính toán lượng phát thải KNK của đàn trâu bò năm 2008 theo  HSPT của IPCC và HSPT của nghiên cứu này, kết quả cho thấy: lượng phát thải của đàn gia súc trâu bò với HSPT được tính trong nghiên cứu này có trị số nhỏ hơn so với kết quả tính toán sử dụng HSPT của IPCC là 94 nghìn tấn CH4, tương đương với 1,97 triệu tấn CO2. Chênh lệch của phát thải do tính toán theo hai HSPT khá lớn,  tới 22% so với lượng phát thải KNK của trâu bò năm 2008.

  1. Kết luận và đề nghị:

-Là một trong các nguồn chính của phát thải KNK quốc gia, khu vực chăn nuôi gia súc cần được xây dựng các HSPT căn cứ đặc tính đàn. Kết quả nghiên cứu ban đầu này khẳng định việc sử dụng các HSPT mặc định của IPCC trong tính toán phát thải KNK khu vực chăn nuôi còn chưa sát thực với điều kiện và hoàn cảnh chăn nuôi của Việt Nam. Sử dụng HSPT này, sẽ dẫn đến độ không chắc chắn cao trong kiểm kê KNK khu vực chăn nuôi.

-Với đặc tính riêng của đàn trâu bò Việt Nam, HSPT cho tiêu hóa thức ăn gia súc và chất thải của trâu bò Việt Nam nhìn chung thấp hơn so với HSPT được đề xuất của IPCC cho khu vực Châu á.

-Hiện nay, số liệu hoạt động cần thiết cho tính toán kiểm kê KNK trong chăn nuôi gia súc cón rất thiếu và chưa được thu thập một cách hệ thống, đăc biệt là các số liệu đặc tính đàn gia súc còn không đầy đủ. Do đó để nâng cao chất lượng kiểm kê trong thời gian tới cần tiếp tục khảo sát, nghiên cứu đánh giá thu thập một cách hệ thống tiến tới xây dựng HSPT hoàn chỉnh.

Tài liệu tham khảo chính:

1/ Thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2010.

2/ Good Practice Guidance and Uncertainty Management in GHG Inventories, IPCC 2000.

3/ 2006 IPCC Guidelines for National Greenhouse Gas Inventories, IPCC 2006.

4/ Chiến lược Phát triển Chăn nuôi đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2008.

5/ Niên Giám Thống Kê 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, Tổng cục Thống kê.