Hà Nội ngày 25 tháng 1 năm 2019, 15 chuyên gia đã tham dự “Toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia tích tụ và tập trung đất đai trong nông nghiệp – Thực trạng và các vấn đề chính sách” do Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) cùng với Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp tổ chức, với sự hỗ trợ của Oxfam tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang dành sự quan tâm rất lớn và có nhiều hành động khuyến khích việc mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại và áp dụng công nghệ cao. Tại Nghị Quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về đất đai, trong đó hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị – xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề tích tụ đất đai trong nông nghiệp, đặc biệt là làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của người nông dân sản xuất nhỏ trong quá trình này?
Vào ngày 25 tháng 1 năm 2019, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) cùng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đồng tổ chức tọa đàm chuyên gia về vấn đề tích tụ tập trung đất đai. Tọa đàm này nằm trong khuôn hoạt động của Liên minh nông nghiệp, với sự hỗ trợ của Oxfam Việt Nam, nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia về hiện trạng và các vấn đề liên quan đến quá trình tích tụ và tập trung đất đai.
Ông Trương Quốc Cần, Viện Trưởng CISDOMA, trình bày tại Toạ đàm
Tại buổi toạ đàm, nhóm Nghiên cứu VEPR đã có bài trình bày tổng quan hiện trạng tích lũy và tập trung đất đai ở Việt Nam, các luồng quan điểm chính và kinh nghiệm thế giới. Thay mặt CISDOMA, ông Trương Quốc Cần Viện trưởng CISDOMA đã trình bày và chia sẻ về khuôn khổ pháp lý và các chính sách liên quan đến tích tụ và tập trung đất đai trong nông nghiệp tại Việt Nam. Từ những kết quả nghiên cứu ban đầu này, các chuyên gia tham dự đã thảo luận, đóng góp ý kiến để xác định mục tiêu, phương pháp, định hướng cho hoạt động nghiên cứu sâu, phục vụ chiến lược vận động chính sách của Liên minh trong giai đoạn tiếp theo.
Chia sẻ và thảo luận sôi nổi giữa các chuyên gia tại Toạ đàm
Phần tọa đàm đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều chia sẻ, thảo luận và phân tích về các vấn đề cần quan tâm trong quá trình tụ, tập trung đất đai, về quyền của người sản xuất nhỏ trong các tiến trình này. Rất nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra như có nhất thiết phải tích tụ đất đai hay không, tích tụ như thế nào và cơ chế quản lý, giám sát tiến trình này ra sao, cần có chính sách nào cần đưa ra khi hiện quá trích tích tụ đất đai để đảm bảo quyền lợi của người nông dân sản xuất nhỏ. Những câu hỏi này sẽ là đề tài nghiên cứu sâu của LMNN trong thời gian tới để phục vụ cho kế hoạch VĐSC của Liên minh trong thời gian tới nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người nông dân sản xuất nhỏ, đồng thời hướng đến nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả.