Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) vừa phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An, Phòng Tư Pháp huyện Quế Phong tổ chức 03 lớp tập huấn “Nâng cao kiến thức pháp luật đất đai và kỹ năng cho Tổ hòa giải cơ sở/CLB phụ nữ” tại các xã dự án gồm: Nậm Nhoóng, Cắm Muộn, Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Theo CISDOMA, khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định: khi các bên xảy ra tranh chấp đất đai thì “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở” và “khi mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.

Song theo đánh giá có hơn 70% tranh chấp, xung đột dân sự hiện nay trong xã hội liên quan đến vấn đề đất đai. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, kiến thức của người dân về pháp luật đất đai còn nhiều hạn chế, văn bản pháp luật đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân và hòa giải cơ sở chưa thực sự hiệu quả.

Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở cho thấy, hòa giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Ba lớp tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật đất đai và kỹ năng cho Tổ hòa giải cơ sở đã được tổ chức với sự tham gia của 109 người (58 nữ) là thành viên tổ hoà giải, câu lạc bộ phụ nữ thôn bản thuộc 03 xã: Nậm Nhóng, Cắm Muộn và Tiền Phong.

Tại các lớp tập huấn, các học viên đã được trao đổi quy định pháp luật về Quyền và nghĩa vụ cơ bản của Nhà nước trong quản lý đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng là hộ gia đình, cá nhân; điều kiện thực hiện các quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình; Các bước tiến hành vụ việc hoà giải ở cơ sở trong tranh chấp đất đai và một số kỹ năng của tổ hoà giải ở cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai.

Sau khi tham dự lớp tập huấn các thành viên tổ hòa giải cơ sở đã nhất trí bên cạnh việc thực hiện các hoạt động hòa giải cơ sở theo quy định thì sẽ tham gia các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, vận động những hộ gia đình trong thôn bản đang sử dụng đất, có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thực hiện việc đăng ký, kê khai để được cấp sổ đỏ; Theo dõi và tiếp tục hỗ trợ các hộ trong danh sách có mong muốn để các hộ đó hoàn tất các hồ sơ, thủ tục cấp sổ đỏ; Rà soát, thống kê, lập danh sách các trường hợp hộ dân trong bản đã có sổ đỏ mà thông tin sai sót (như sai họ tên, địa chỉ, diện tích, người sử dụng đã mất mà chưa sang tên…); Tư vấn thủ tục cho các hộ dân trong bản có nhu cầu đính chính sổ đỏ; cấp đổi sổ đỏ; sang tên sổ đỏ do thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Các lớp tập huấn trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” do tổ chức INKOTA (CHLB Đức) tài trợ và Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) quản lý trong thời gian từ 2020 – 2022.

Mục tiêu của Dự án là quyền về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Quế Phong được đảm bảo công bằng khi có nhận thức đầy đủ và dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí được cải thiện. Để đạt được mục tiêu này, dự án sẽ nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ trong quyền sử dụng đất, kỹ năng truyền thông, tư vấn cho đội ngũ cán bộ chức năng các cấp, trên cơ sở đó các đội ngũ này sẽ triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số ở các địa phương.

Dưới đây là một số hình ảnh tại các lớp tập huấn:

 

Nguồn: “Cổng thôn tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường”

Kết quả dự án tại huyện Quế Phong cho đến nay đã tổ chức 52 sự kiện truyền thông về quy định pháp luật đất đai đã được tổ chức tại 52 thôn bản thuộc 13 xã của huyện với sự tham gia của 2.586 người dân (trong đó 72,8% là phụ nữ dân tộc thiểu số). Tư vấn cho 201 lượt người dân (trong đó 54,6% là phụ nữ DTTS) có vướng mắc liên quan đến đất đai. Các vướng mắc của người dân xoay quanh các nội dung như cấp mới, cấp đổi sổ đỏ; sang tên sổ đỏ khi được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tranh chấp đất đai. Trong đó có 51 trường hợp người dân đang có vướng mắc về tranh chấp đất đai như: tranh chấp mốc giới, sử dụng thửa đất mà sổ đỏ tên người khác, lấn chiếm ranh giới giữa các thửa đất, tranh chấp quyền thừa kế là quyền sử dụng đất, tranh chấp khi phân chia chia quyền sử dụng đất sau ly hôn.