Với định hướng xây dựng vùng canh tác lúa an toàn sinh học tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng nghèo thông qua sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu” đã triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu hại lúa trên diện tích hơn 180ha. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong sản xuất lúa giúp giảm giá thành sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm tồn dư thuốc BVTV giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Nấm xanh bám dính và diệt rầy nâu trên mô hình canh tác úa ứng dụng chế phẩm nấm xanh (ảnh phải), hiệu quả rõ rệt so với thửa ruộng sử dụng thuốc diệt rầy 2 lần (ảnh trái)

Ông Cao Văn Sáu – ấp Mỹ Thanh, phường 3, Tx. Ngã Năm chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 10 công lúa (1 ha), những năm trước tôi phun thuốc xịt diệt rầy nâu ít nhất 2 đợt hết khoảng 2,5 triệu đồng. Năm nay gia đình tôi sử dụng chế phẩm nấm xanh để phòng trừ rầy nâu nếu tính chi phí thì giảm hơn một nửa và lại không mất nhiều công lao động. Không chỉ vậy, khi sử dụng chế phẩm nấm xanh trong sản xuất lúa tôi thấy khỏe người hơn khi sử dụng thuốc diệt rầy vì nấm xanh an toàn với con người.”

————–

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng nghèo thông qua sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu” do Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) phối hợp với UBND thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng thực hiện trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2022 với nguồn ngân sách được tài trợ từ tổ chức Bánh mỳ Thế giới (BfW) và tổ chức Action on Porverty (AOP) tại Việt Nam.