Những năm qua Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách về giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số giúp hàng trăm ngàn hộ thoát nghèo. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn rất  nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Để đảm bảo đồng bào DTTS tiếp cận được và sử dụng đất đai một cách bền vững, cần giải pháp toàn diện từ việc cải thiện khung chính sách và cơ chế thực hiện.  

Đối thoại về vấn đề đất đai cho đồng bào DTTS với sự tham gia của bà Đinh Thị Phương Lan (Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội) và ông Trương Quốc Cần (Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi).

Thứ nhất : Quy hoạch còn chưa theo sát thực tế

Những năm qua Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách về giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số giúp hàng trăm ngàn hộ thoát nghèo. Tuy nhiên theo báo cáo tại phiên họp UBTV Quốc Hội mới đây về thực hiện NQ số 76/2014 về đẩy mạnh giảm nghèo bền vững đến năm 2020,  nước ta còn hơn 58 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, hơn 330.000 hộ thiếu đất sản xuất. Những con số này cho thấy vấn đề đất đai cho đồng bào DTTS còn nhiều vướng mắc cần được quan tâm nghiêm túc và giải pháp triệt để hơn.

Hiện nay, quy trình quy hoạch đất đai từ trên xuống, theo đó chỉ tiêu các loại đất được giao từ Trung ương – Tỉnh – Huyện trong nhiều trường hợp chưa phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất thực tế của từng địa phương. Ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân thường canh tác, hưởng dụng từ đất, rừng theo truyền thống và thiếu các hồ sơ pháp lý về hiện trạng sử dụng/khai thác đất đai của mình. Tuy nhiên, quá trình rà soát, quy hoạch đất đai của Nhà nước chưa phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất/rừng của cộng đồng DTTS. Ở nhiều nơi, người dân đã trồng cây từ hàng chục năm và dựa vào đó làm nguồn sinh kế qua nhiều thế hệ. Nhưng khi quy hoạch các lâm trường, Nhà nước không ghi nhận thực trạng này mà đưa cả diện tích dân đang canh tác vào quy hoạch lâm trường, rừng phòng hộ…Đây là một trong những nguyên nhân căn bản gây ra nhiều khó khăn trong việc chính thức hóa việc giao đất cho bà con DTTS.

Thứ hai : Thiếu động lực và quyết tâm của chính quyền địa phương và các công ty nông, lâm nghiệp trong rà soát đất đai và giao lại những diện tích đất giao lại cho cộng đồng

Mặc dù chủ trương giao đất cho cộng đồng trong chương trình rà soát, sắp xếp lại các Lâm trường Quốc doanh đã được nêu rõ trong Nghị quyết 112/NQ-QH của Quốc hội, Nghị định 118/2014/ND-CP của Chính phủ và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành khác. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình tái phân bổ đất đai từ các công ty nông lâm nghiệp thường không có lộ trình rõ ràng và thiếu sự tham gia của chính quyền và người dân địa phương. Vì thế, tính đến cuối năm 2018, có đến 85% trong tổng số số 402.612 ha đất dự kiến được giao lại cho cộng đồng DTTS vẫn đang do các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý[1].

Thứ ba: Chưa có một hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng về quy trình xác định lại ranh giới, giao đất – giao rừng có sự tham gia của người dân. Việc này khiến các đơn vị thực thi ở cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện việc rà soát và giao lại đất cho cộng đồng

Thứ tư: Thiếu sự hỗ trợ của các bên liên quan để trang bị kiến thức và kỹ năng cho cộng đồng dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo sinh kế bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả

Các chính sách hỗ trợ đất đai hiện nay cho đồng bào dân tộc thiểu số mới chỉ tập trung vào việc giao đất mà chưa đi kèm với các hỗ trợ về mặt kỹ thuật để họ có thể khai thác, canh tác  một cách hiệu quả và bền vững. Chính vì thế mà ở nhiều nơi, đồng bào DTTS dù được giao đất/rừng nhưng vẫn không canh tác được một cách hiệu quả và chưa tạo được sinh kế, thu nhập ổn định từ đất/rừng.


Với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu, CISDOMA và các đối tác (Oxfam, CRD, CEGORN) đang triển khai dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số”. Mục tiêu của dự án là Hỗ trợ giao quyền sử dụng khoảng 1.500 ha đất lâm nghiệp và rừng từ các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn ba tỉnh gồm Đắk Nông, Gia Lai và Lào Cai cho 15 cộng đồng dân tộc thiểu số để quản lý, sử dụng có hiệu quả dựa vào cộng đồng.

Để đảm bảo tiếp cận đất đai cho đồng bào DTTS, giải quyết các rào cản nêu trên thông qua một chiến lược tiếp cận toàn diện bao gồm việc kết hợp giữa các bên liên quan gồm: (i) Thúc đẩy động lực và quyết tâm chính trị của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong đẩy mạnh việc tái phân bổ đất từ các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước cho cộng đồng dân tộc thiểu số để quản lý và sử dụng theo luật tục, (ii) cải thiện khung chính sách và có hướng dẫn chi tiết hơn cho việc quản lý, sử dụng đất, rừng dựa vào cộng đồng, (iii) tăng cường cơ chế phối hợp, làm việc giữa các bên liên quan và cộng đồng người dân địa phương và iv) tăng cường năng lực của cộng đồng dân tộc thiểu số để quản lý, sử dụng hiệu quả đất và rừng một cách bền vững.

Tài liệu buổi đối thoại: http://vov1.vn/doi-thoai/tang-cuong-quyen-tiep-can-dat-dai-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-17102020-cmobile69-64423.aspx

[1]Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (2018).  ‘Kết quả theo dõi việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước’ (bằng tiếng Việt).