Tập trung đất đai để phục vụ mục tiêu hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này đi đôi với đảm bảo công bằng xã hội. CISDOMA đã và đang thực hiện nhiều hoạt động để cùng tháo gỡ khó khăn này.
Tập trung, tích tụ, đất đai được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn. Chủ trương này đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng như: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (2011), Đại hội XII của Đảng (2016) và các chính sách của chính phủ nhằm thúc đẩy các mô hình hiệu quả. Luật đất đai năm 2013 đang được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tập trung tích tụ đât đai cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo những điều kiện cần thiết và cách làm phù hợp để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia, đặc biệt là nông dân quy mô nhỏ trong quá trình này.
Đầu tiên là vấn đề việc làm nông thôn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tích tụ ruộng đất thường đi kèm với tình trạng thiếu việc làm trong nông nghiệp và ở nông thôn. Ở Việt Nam, với 36% số hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn hoăc bằng 0,2 ha (Tổng cục Thống kê, 2016) thì để tích tụ được đất đai cho một trang trại quy mô 100 ha sẽ có ít nhất 500 hộ nông dân khác không có đất sản xuất. Trong bối cảnh tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ở Việt nam còn khá cao (41% theo OECD, 2019), việc đẩy nhanh tốc độ tích tụ tập trung đất đai sẽ tạo ra một lượng lớn lao động dư thừa (chủ yếu ở độ tuổi 30 – 40). Lượng lao động này vượt quá khả năng hấp thụ lao động của ngành công nghiệp dịch vụ. Nhất là trong thực tế hiện nay, việc đào tạo một lượng lớn người nông dân để chuyển đổi việc làm sau khi tích tụ ruộng đất còn là thách thức lớn.
Toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về “Tích tụ và tập trung đất đai trong nông nghiệp – Thực trạng và những vấn đề về chính sách”
Thứ hai, các dịch vụ an sinh xã hội ở Việt Nam còn rất hạn chế, việc tích tụ đất đai cho một số ít người, khi chưa có đủ các điều kiện anh sinh xã hội và việc làm nông thôn sẽ khiến người nông dân không còn đất sản xuất bị bần cùng hoá đặc biệt với các hộ nghèo. Thực tế cho thấy nhiều hộ dân dù đã chuyển sang làm việc phi nông nghiệp nhưng đất nông nghiệp vẫn là tài sản đảm bảo cho họ mỗi khi thất nghiệp, đau ốm, chưa kể là ở các vùng chậm phát triển, nông nghiệp vẫn là nguồn sinh kế chính của đa số người dân. Theo một báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2012 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Lê, 2012), từ năm 2002 đến năm 2011, cả nước có 558.485 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu đất này là do xuất hiện và ngày càng tăng hoạt động tích tụ đất sản xuất nông, lâm nghiệp để mở rộng sản xuất hàng hóa của một số cá nhân, doanh nghiệp. Hoạt động này làm phức tạp tình hình mua bán, sang nhượng, cầm cố đất đai mà đối tượng bị thiệt thòi nhiều nhất là người dân tộc thiểu số.
Hội thảo tham vấn “Rà soát, đánh giá mức độ áp dụng các chính sách đất nông nghiệp trong thực tiễn và đề xuất điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho việc tập trung, tích tụ đất đai phục vụ cơ cấu ngành nông nghiệp”
Bên cạnh đó, tính hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau khi tích tụ cũng còn nhiều câu hỏi, và có cả những quan ngại về mục đích thực sự của doanh nghiệp khi tích tụ đất đai. Theo (Thuấn, 2018), nhiều người đã đặt ra câu hỏi: liệu các doanh nghiệp (có cả các doanh nghiệp mà ngành kinh doanh chính là bất động sản) có thực sự muốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp không, hay nhằm mục đích khác? Trong tương lai, sau khi hết hạn hợp đồng thuê đất (thường là 20 năm), nếu như doanh nghiệp trả lại đất thì rất khó cho người nông dân có thể tổ chức sản xuất nông nghiệp trở lại (do đã không tham gia sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm).
Với đặc thù quy mô đất nông nghiệp ở nước ta quá nhỏ lẻ, manh mún, việc tập trung đất để có quy mô sản xuất hiệu quả hơn và đáp ứng được nhu cầu của thị trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tiến trình này không làm bần cùng hóa người nông dân quy mô nhỏ, và không gây những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, cần có lộ trình phù hợp và phương pháp đúng đắn. Trong khi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, việc thúc đẩy các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất hiệu quả của nông dân sản xuất nhỏ có ý nghĩa quan trong.
Với mong muốn đóng góp cho việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả, CISDOMA đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm đóng góp cho việc tìm ra các giải pháp cho vấn đề manh mún đất đai như:
- Giới thiệu, thúc đẩy và hỗ trợ các mô hình liên kết hợp tác sản xuất của nông dân quy mô nhỏ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Thực hiện các nghiên cứu, khảo sát về các mô hình sản xuất hiệu quả của nông dân SX nhỏ, những khó khăn, thách thức mà nông dân gặp phải và giải pháp tháo gỡ.
- Nghiên cứu, phân tích và đóng góp cho quá trình sửa đổi Luật đất đai và các văn bản liên quan, nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân quy mô nhỏ.
Tập huấn – Hội thảo “Quyền đất đai trong bối cảnh tích tụ và tập trung đất nông nghiệp”
Tài liệu tham khảo
- Lê, N., 2012. Tích tụ đất đai ngày càng phức tạp. [Online]
Available at: http://vneconomy.vn/thoi-su/tich-tu-dat-dai-ngay-cang-phuc-tap-20121020085741884.htm
[Accessed 31 1 2020]. - OECD, 2019. Agricultural Policy Monitoring and Evaluation 2019, Paris: OECD Publishing.
- Thuấn, N. Q., 2018. vn. [Online]
Available at: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-ung-xu-voi-moi-truong-tu-nhien/3486-nguyen-quang-thuan-tich-tu-tap-trung-dat-dai-cho-phat-trien-nong-nghiep-o-viet-nam-trong-dieu-kien-moi.html
[Accessed 31 1 2020].