Trong khuôn khổ dự án “Công dân giám sát trong quản trị đất đai ở Việt Nam”, Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi – CISDOMA đã chủ trì biên soạn và xuất bản “Sổ tay hướng dẫn công dân giám sát quản lý và sử dụng đất đai”. Sổ tay này được xây dựng với mục đích đưa ra hướng dẫn chung về phương pháp, tiến trình để người dân có thể theo dõi, thu thập thông tin, đánh giá việc thực thi của cơ quan nhà nước, đánh giá sự tuân thủ của các cơ quan chức năng theo các chuẩn mực, tiêu chí cụ thể mà pháp luật đã quy định, từ đó có những phản hồi, kiến nghị đến các cơ quan chức năng để điều chỉnh kịp thời…. dựa trên khuôn khổ các quy định của pháp luật hiện hành.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi với hàng loạt quá trình tái cơ cấu ngành nghề, sắp xếp lại quy mô và phương thức sản xuất; cùng với đó là tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa yêu cầu sự chuyển đổi mục đích sử dụng, tái phân bổ quyền sử dụng đất diễn ra ở khắp nơi trên toàn quốc. Xu hướng này dẫn đến sự biến động lớn về quy hoạch và chuyển đổi quyền sử dụng đất đai trong hơn hai thập kỷ qua.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua rất nhiều sự việc đã xảy ra có nguyên nhân từ những mâu thuẫn liên quan đến đất đai. Phần lớn trong số đó là xuất phát từ việc người dân không đồng thuận với phương án đền bù, bồi hoàn giá trị do cơ quan nhà nước quy định. Một trong những lý do dẫn đến việc người dân chưa đồng thuận là do họ không nắm bắt được thông tin kịp thời, không được tham vấn và trao đổi một cách thấu đáo.

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định rằng, công dân có quyền tham gia trong quản lý nhà nước và xã hội. Trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, Luật Đất đai năm 2013 cũng nêu rõ Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.

Việc công dân tham gia giám sát trong quản lý và sử dụng đất đai có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó giúp đưa tiếng nói của người dân đến các cơ quan quản lý nhà nước, để có sự cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp, tạo sự đồng thuận, giảm tiêu cực và giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp đất đai khi triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống văn bản luật pháp và các quy định chưa được hoàn thiện, sự tham gia giám sát của người dân trong lĩnh vực đất đai còn nhiều hạn chế. Một trong những lý do là người dân, thậm chí là cả các cán bộ ở các cơ quan chức năng về đất đai cũng chưa chưa hiểu rõ về cách thức để người dân có thể thực thi quyền giám sát của mình trong lĩnh vực đất đai.

Trong khuôn khổ dự án “Công dân giám sát trong quản trị đất đai ở Việt Nam”, Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi – CISDOMA đã chủ trì biên soạn và xuất bản “Sổ tay hướng dẫn công dân giám sát quản lý và sử dụng đất đai”. Sổ tay này được xây dựng với mục đích đưa ra hướng dẫn chung về phương pháp, tiến trình để người dân có thể theo dõi, thu thập thông tin, đánh giá việc thực thi của cơ quan nhà nước, đánh giá sự tuân thủ của các cơ quan chức năng theo các chuẩn mực, tiêu chí cụ thể mà pháp luật đã quy định, từ đó có những phản hồi, kiến nghị đến các cơ quan chức năng để điều chỉnh kịp thời…. dựa trên khuôn khổ các quy định của pháp luật hiện hành.

Sổ tay gồm 9 quyển với 350 trang khổ A5:

  • Quyển 1: Quyền – Trách nhiệm – Nội dung và hình thức giám sát.
  • Quyển 2: Một số kiến thức và kỹ năng cần thiết trong giám sát đất đai.
  • Quyển 3: Giám sát việc lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
  • Quyển 4: Giám sát việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
  • Quyển 5: Giám sát việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
  • Quyển 6: Giám sát việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  • Quyển 7: Giám sát việc thu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế liên quan đến đất đai; Định giá đất.
  • Quyển 8: Giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
  • Quyển 9: Giám sát việc thực hiện một số nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Sổ tay này được biên soạn với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín, dành cho đối tượng sử dụng chính là người dân có quan tâm, cán bộ các tổ chức xã hội, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp có mong muốn trợ giúp thành viên của mình thực hiện quyền giám sát đất đai. Bên cạnh đó sổ tay này cũng có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho cơ quan nhà nước có liên quan đến quản lý đất đai, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở.

Dự án “Công dân giám sát trong Quản trị Đất đai ở Việt Nam” do Chương trình Quản trị Đất đai Mekong (MRLG) hỗ trợ với nguồn tài chính của Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ (SDC), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (BMZ) thông qua tổ chức điều phối là Land Equity International và Gret.
Dự án được thực hiện bởi Oxfam cùng các đối tác là Liên minh Đất đai (LANDA) và Liên minh Đất rừng (FORLAND).