Mưa lũ xảy ra trên diện rộng tại hơn 11 tỉnh miền Trung khiến nhiều ra gia đình lâm vào tình cảnh trắng tay. Việc hỗ trợ cho người dân để tái thiết lại cuộc sống đang là câu hỏi lớn: cần ưu tiên phục hồi cái gì, phục hồi như thế nào là vấn đề cấp thiết đặt ra cho các cơ quan chức năng. 

Mới đây, Ông Đào Ngọc Ninh, phó viện trưởng CISDOMA đã có buổi trao đổi tại Đài tiếng nói Việt Nam VOV2 về vấn đề này.  

Trước hết, cần phải nhìn nhận rằng trận lũ xảy ra năm nay rất khác với các hiện tượng thiên tai thảm họa xảy ra nhiều năm gần đây. “Đây là 1 trận thiên tai mưa lũ ngập lụt trong nhiều ngày, phạm vi ảnh hưởng tràn ra 5 đến 6 tỉnh miền trung, là lụt chồng lụt, lũ chồng lũ nên gây ra rất nhiều thiệt hại về người và của cho bà con”, ông Đào Ngọc Ninh nói. Thiệt hại gây ra cho bà con trong trận lũ này là vô cùng lớn. Trận lũ lịch sử và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 130 người và ảnh hưởng đến hàng triệu người khác. Theo thống kế sơ bộ từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, hơn 270 nghìn ngôi nhà bị sập, hơn 37.500 căn nhà bị hư hại. Nước lũ dã khiến nhiều người mất gần như toàn bộ tài sản, nhà cửa. Nhiều người nghèo và cận nghèo hiện không có đủ phương tiện để đầu tư sửa chữa, xây dựng lại nhà ở hoặc mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết.

Khi nhận diện các khó khăn mà bà con đnag phải đối mặt, có thể chia thành 3 loại:

  1. Thiếu thốn về điều kiện sống
  2. Mất mát nguồn lực/tư liệu sản xuất:
  3. Điều kiện tiếp cận dịch vụ công: tiếp cận điều kiện y tế, giáo dục.

Đứng trước tình trạng như vậy, việc xác định nhu cầu cấp thiết của bà con để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp là vô cùng cần thiết. Ông Đào Ngọc Ninh cho rằng cần nhìn từ các nhóm đối tượng khác nhau để cung cấp hỗ trợ phù hợp, chứ không thể đưa ra các hỗ trợ như nhau. Ông đưa ra  ví dụ “trẻ em vùng lũ sau thiên tai giờ sẽ rất cần hỗ trợ về sách vở để em có thể nhanh chóng quay trở lại trường học. Khu vưc trường sở rất cần được hỗ trợ để nhanh chóng khôi phục lại việc học cho các em. Khu vực di vụ y tế cũng cần nhanh chóng khôi phục để có thể đảm bảo tiếp cận và chữa bệnh cho người dân,v.v.” Cần đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ và trẻ em.

Cho cần câu, nhưng con cá cũng quan trọng

Nhiều cơ quan chức năng ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp con giống, cây trồng ngắn hạn để bà con có thể tái thiết sản xuất, ổn định kinh tế sớm. Đây là cách hỗ trợ theo chu trình quản lý thảm họa. Giai đoạn ngắn hạn  tập trung hỗ trợ con giống và một số dịch vụ để khôi phục cuộc sống bình thường cho bà con. Giai đoạn dài hơi hơn (giai đoạn tái thiết) tập trung hỗ trợ con giống bò lợn hoặc các chương trình hỗ trợ tiền mặt có điều kiện.

Tuy nhiên, vẫn rất cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con, nhất là người nghèo, các đối tượng dễ bị tổn thương trong lúc họ chờ đến thu hoạch. “Với những hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng già, đã mất trắng tài sản thì giờ đưa họ tư liệu sản xuất thì họ cũng khó cầm cự được cho đến khi ổn định kinh tế.” ông Đào Ngọc Ninh lưu ý.

Tự cứu mình trước khi trời cứu

Ông Ninh động viên “Đảng, Nhà nước và Chính phủ và cộng đồng sẽ đến với bà con. Đó là truyền thống từ lâu”. Sự hỗ trợ của nhà nước hết sức quan trọng, nhưng công cuộc cứu trợ và tái thiết thành bại như thế nào vẫn chủ yếu do tinh thần của người dân. Mọi sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức đều là hỗ trợ ở xa, còn bà con thì ngay lập tức phải đối mặt với thiên tai. Vậy nên cần phải nỗ lực làm sao để tự bảo vệ mình, giữ an toàn trước khi cứu viện kịp đến.

Lắng nghe toàn bộ buổi chia sẻ tại: https://vov2.vov.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-dan-vung-lu-mien-trung-can-gi-de-tai-thiet-cuoc-song-22527.vov2

Ảnh: Tuổi trẻ