Untitled5Ông Trương Quốc Cần tốt nghiệp thạc sỹ tại Đại học Quốc gia Phillipines năm 2003. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong nhiều môi trường khác nhau như các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước tại các nước châu Á như Philippines, Lào, Sri Lanka, Myanmar, và Việt Nam. Ông Cần đã và đang trực tiếp tham gia, điều phối nhiều nghiên cứu và khảo sát liên quan đến các lĩnh vực như Phát triển Nông thôn, Nông nghiệp Bền vững, Biến đổi Khí hậu, Quản lý Tài nguyên Môi trường, Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, Công nghệ Hạt giống, Phân tích Đói nghèo, Dịch vụ Công và Giáo dục.

Trong lĩnh vực xây dựng năng lực, ông Cần là một tập huấn viên giàu kinh nghiệm về thiết kế các chương trình, tổ chức các tập huấn và đào tạo về Phương pháp Tập huấn có sự Tham gia, Phương pháp tiếp cận Giáo dục và Phát triển Cộng đồng (Reflect), Đánh giá Nông thôn có Sự tham gia, Đánh giá Tổn thương có Sự tham gia (PVA), Giám sát và Đánh giá Dự án có Sự tham gia (PM&E), Quản lý Rủi ro Thiên tai Dựa vào Cộng đồng (CBDRM), Biến đổi Khí hậu, Công nghệ Hạt giống và Nông nghiệp/Sinh kế Bền vững.

Ông Cần có nhiều kinh nghiệm thực tế về xây dựng chiến lược chương trình phát triển (trung-dài hạn) và chiến lược phát triển tổ chức cho nhiều tổ chức NGO và các mạng lưới. Ông cũng tích cực tham gia hỗ trợ thành lập và vận hành nhiều mạng lưới tại Việt Nam như Mạng lưới An ninh Lương thực và Giảm nghèo (CIFPEN), Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Quản trị và Cải cách Hành chính Công (GPAR) và Mạng lưới Thanh niên Hành động vì sự Phát triển (YTC). Bên cạnh đó, ông tham gia vào nhiều mạng lưới tổ chức phi chính phủ quốc tế, cơ quan viện trợ và có kết nối với các mạng lưới cấp quốc gia, địa phương và quốc tế.

Nhờ sự tích cực tham gia vào các quá trình phân tích và xây dựng chính sách liên quan đến an ninh lương thực, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên môi trường ở cấp quốc gia và quốc tế, ông Cần đã đạt được nhiều kết quả về vận động chính sách như việc đưa vào sử dụng sách giáo khoa tiểu học có nội dung phù hợp với bối cảnh địa phương tại cấp tỉnh, nhân rộng mô hình mạng lưới của Trung tâm Học tập Cộng đồng (CLC) và giới thiệu Mô hình Reflect trong giáo dục cho người lớn ở cấp quốc gia. Reflect đã được UNESCO công nhận là một thành công trong giáo dục dành cho người lớn.