Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế – Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) đã phối hợp với UBND huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) và UBND thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) khởi động dự án “Sinh kế thích ứng đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương tại Việt Nam” tại hai địa bàn dự án. Dự án được tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới (BfdW), Quỹ Australia vì Nhân dân Châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) và một số nguồn địa phương tài trợ.

Ông Trương Quốc Cần, Viện Trưởng CISDOMA giới thiệu dự án tại hội thảo khởi động

Cộng đồng mục tiêu của dự án ở Ngã Năm là những cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sự xâm nhập mặn và hạn hán, trong khi hai xã ở Tam Đường chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và rét đậm rét hại. Các nhóm mục tiêu là những người nghèo trong các cộng đồng ít cơ hội tiếp cận với tài nguyên thiên nhiên, kiến thức hạn chế về kỹ thuật và kinh tế. Họ thường là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng trước những hiện tượng thời tiết cực đoan/ thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu đóng góp vào việc nâng cao khả năng ứng phó của cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua việc cải thiện hiểu biết về biến đổi khí hậu ở địa phương và áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng, dự án sẽ hỗ trợ cộng đồng tăng cường/huy động những nguồn lực/cấu trúc hiện có trong cộng đồng để thiết lập, xây dựng những nhóm có cấu trúc và phương thức định hướng phù hợp. Trong thời gian thực hiện dự án, thông qua cấu trúc này, các thành viên trong cộng đồng sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình phân tích, nhận biết vấn đề và giải pháp, cũng như lên kế hoạch hành động để giải quyết những vấn đề đó. Những quá trình này sẽ áp dụng những phương pháp tham gia khác nhau như Học hỏi và hoạt động có sự tham gia (PLA), Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng với thiên tai có sự tham gia (PVCA)… với sự hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia.

Dự án xác định sẽ hướng đến:

  • 1000 người của 200 hộ người dân tộc Mông, Thái, Lủ, Khơ-me và Kinh tại xã Khun Há, Bình Lư thuộc huyện Tam Đường và xã Vĩnh Quới, Tân Long huyện Ngã Năm; 50% trong số đó là phụ nữ, sẽ nhận được hỗ trợ trực tiếp để cải thiện sinh kế.
  • 200 người, bao gồm cán bộ từ chính quyền địa phương và lãnh đạo cộng đồng sẽ được tập huấn về các chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu, sinh kế thích ứng và các kỹ năng cần thiết cho việc lên kế hoạch và sản xuất.
  • 1000 người sẽ hưởng lợi từ các hoạt động nâng cao nhận thức và chia sẻ do dự án tiến hành.
  • 4000 người ở huyện Tam Đường sẽ là những đối tượng hưởng lợi giản tiếp từ dự án.

Phát biểu tại hội thảo khởi động được tổ chức ngày 25/8/2017, ông Võ Minh Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với biến đổi khí hậu đã làm cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được coi là nguồn sinh kế chính của người dân ngày càng khó khăn. Ông cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến tất cả các nhà tài trợ và CISDOMA sẽ thực hiện dự án.

Ông Võ Minh Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm trình bày

Ông Đào Ngọc Ninh, Viện Phó CISDOMA giới thiệu các kết quả mong đợi, tác động và các hoạt động của dự án

Trong hội thảo khởi động được tổ chức tại huyện Tam Đường ngày 25/8/2017, bà Tẩn Thị Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường đã có bài phát biểu giới thiệu tổng quan về bối cảnh phát triển kinh tế xã hội tại địa phương mà sinh kế chính là nông nghiệp. Trong những năm gần đây, trồng trọt bị hạn chế do thiên tai xảy ra thường xuyên. Bà Tẩn Thị Quế phát biểu: “Huyện đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa như Bình Lư và Khun Há. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao sự cần thiết của dự án nhằm nâng cao khả năng ứng phó của cộng đồng dễ bị tổn thương ở huyện Tam Đường “.

Bà Tẩn Thị Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường trình bày

Sau khi khởi động dự án, CISDOMA cùng với các đối tác địa phương ở huyện Tam Đường và thị xã Ngã Năm sẽ nhanh chóng triển khai các hoạt động với cộng đồng địa phương. Dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong hai năm bắt đầu từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 6 năm 2019.