Sáng ngày 19/12/2017, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) đã phối hợp cùng với Tổ chức Aide-Et-Action (AEA) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) tổ chức một hội thảo cấp Quốc gia với chủ đề “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua phát triển ngôn ngữ”. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ và đồng thực hiện bởi CISDOMA và AEA tại địa bàn ba xã Tả Lèng, Nùng Nàng, Khun Há, thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu với thời hạn 3 năm (1/2016 – 12/2018).

Với chủ đề chính “Nâng cao chất lượng giáo dục thông qua phát triển ngôn ngữ”, hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 60 đại biểu, đến từ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (EU), Hội đồng dân tộc – Văn phòng Quốc hội, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Lai Châu, các đối tác địa phương và đối tượng hưởng lợi của dự án trên địa bàn huyện Tam Đường, cùng nhiều đại diện các cơ quan/ban ngành và các Tổ chức Quốc tế khác có quan tâm (UNICEF, UNESCO, Plan, VVOB…).

Bà Nguyễn Hồng Anh, Quản lý Chương trình – Xã hội Dân sự và Quản trị từ Phái đoàn Liên minh Châu Âu, phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Hội đồng Dân tộc – Văn phòng Quốc hội đã có bài tham luận chia sẻ về các chính sách giáo dục dành cho dân tộc thiểu số và công tác giám sát của Quốc hội với việc thực thi các chính sách này. Bài trình bày của Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc – VNIES đã chỉ rõ tính ưu việt của phương pháp giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ thông qua các nghiên cứu và kinh nghiệm triển khai thí điểm tại Việt Nam.

Ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng CISDOMA, đồng chủ trì hội thảo

Thay mặt đơn vị triển khai dự án, ông Nguyễn Anh Tuấn Phó Viện trưởng CISDOMA, kiêm Điều phối viên Dự án đã trình bày và chia sẻ với hội thảo các thành tựu đã đạt được trong suốt 18 tháng triển khai dự án, các bài học điển hình tốt trong việc thí điểm giáo dục ngoại khóa dựa trên tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc Mông tại các xã dự án, đồng thời nêu lên những khó khăn, thách thức mà dự án đã gặp phải.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng CISDOMA, chia sẻ về dự án

Tiếp theo các bài trình bày, Hội thảo đã dành phần lớn thời gian cho tọa đàm mở dành cho tất cả các đại biểu tham dự. Phần tọa đàm đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều chia sẻ, câu hỏi và thảo luận về các chính sách, thực hành, những khó khăn và thách thức liên quan đến tăng cường chất lượng giáo dục cho trẻ dân tộc thiểu số, cũng như các cách tiếp cận khác nhau trong giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ thông qua các hoạt động dự án của các tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội tại Việt Nam. Các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và nguồn lực giữa các cơ quan nghiên cứu và quản lý giáo dục với các tổ chức trong nước và quốc tế có quan tâm nhằm tăng cường chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua phát triển ngôn ngữ, đồng thời đề xuất một số kế hoạch hợp tác để tiếp tục tổ chức các hội thảo/diễn đàn về chủ để này trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Tú, Giám đốc Chương trình Quốc gia AEA, phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Anh, đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu chia sẻ, hội thảo này nói riêng và dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại Việt Nam” đã chứng tỏ vai trò của các tổ chức dân sự trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức xã hội với cơ quan Chính phủ, cơ quan lập pháp và các nhà khoa học để giải quyết những thách thức đặt ra trong việc nâng cao quyền tiếp cận giáo dục có chất lượng cho trẻ em dân tộc thiểu số.