Ngày 27 tháng 5 tại thành phố Kon Tum, Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum tổ chức hội thảo “Giao đất, giao rừng cho cộng đồng – khó khăn và giải pháp”. Hội thảo thu hút hơn 60 đại biểu từ các bộ ngành, Ủy ban của Quốc hội, các nhà khoa học và cán bộ quản lý, Công ty lâm nghiệp từ Hà Nội và 6 tỉnh tham gia.  

Tại hội thảo này, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số, với tập trung chủ yếu vào nguồn đất đai từ các công ty Lâm nghiệp bàn giao lại cho địa phương theo tinh thần Nghị định 118/2014/NĐ-CP Về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, ban hành ngày 17 tháng 12 năm 2014. Ngoài những kết quả tích cực trong việc triển khai giai đất, giao rừng cho cộng đồng DTTS, các diễn giả cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng, cũng như trong bảo vệ, phát triển rừng và đảm bảo sinh kế của cộng đồng sau khi được giao đất, giao rừng. Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận được chia sẻ từ các cơ quan quản lý Nhà nước (Vụ Pháp chế thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, bộ TN&MT, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT), Vụ Dân tộc, Văn phòng Quôc hội về các chính sách liên quan.

Ảnh 1: Đại diện Vụ Dân tộc – Văn phòng Quốc hội và CISDOMA đồng chủ trì hội thảo

Trong các phiên làm việc của Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi rất sôi nổi về những giải pháp để thúc đẩy tiến trình giao đất, giao rừng cho cộng đồng, và các giải pháp đảm bảo quản lý, phát triển rừng hiệu cũng như đảm bảo sinh kế của cộng đồng sau khi được giao. Các giải pháp tập trung vào giải quyết các vấn đề chính như: 1) khắc phục những bất cập trong quy định pháp lý giữa Luật đất đai và lâm nghiệp, 2017; 2) Giải pháp chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về hiện trạng rừng; 3) Giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong tiến trình giao đất giao rừng; 4) Các giải pháp nhằm đảm bảo việc giao rừng có sự tham gia của cộng đồng, đảm bảo phù hợp các yếu tố  văn hóa, xã hội của cộng đồng và 5) Các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, xây dựng tổ chức, thiết chế cộng đồng nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, phát triển rừng sau khi được giao cho cộng đồng.

Ảnh 2: Toàn cảnh hội thảo

Với mong muốn thúc đẩy tiến trình giao đất giao rừng cho đồng bào DTTS, các ý kiến, khuyến nghị từ hội thảo sẽ được các tổ chức, các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và Văn phòng Quốc hội tổng hợp và chuyển đến các cấp hoạch định chính sách ở cấp cao hơn, đóng góp cho quá trình rà soát và sửa đổi Luật Đất đai 2013 cũng như các quy định, pháp luật, và chính sách liên quan. 

Ảnh 3: Các đại biểu trình bày tham luận/thảo luận nhóm.

Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” được Cộng đồng chung châu Âu (EU) tài trợ được thực hiện bởi các tổ chức Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA), Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao (CEGORN), Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và Oxfam tại Việt Nam trên địa bàn 2 tỉnh Lào Cai và Kon Tum từ năm 2021 – 2023