Ngày 27 tháng 12 năm 2012, tại Lâm trường Tân lạc huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình, Viện Tư vấn phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Thí điểm mô hình quản lý rừng có giá trị bảo tồn cao nằm ngoài rừng đặc dụng theo hướng sử dụng rừng đa mục đích”.

Untitled

Dự án do Chương trình các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu thuộc UNDP tài trợ (GEF/SGP-UNDP), thời gian thực hiện từ 10/2009 đến 12/2012, tại hai đơn vị quản lý rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mai Châu và Lâm trường Tân Lạc tỉnh Hòa Bình.

Tham gia Hội nghị tổng kết dự án có đại diện của các cơ quan, đơn vị, các chủ rừng tham gia dự án thuộc huyện Tân Lạc và Mai Châu, các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án là các hộ tham gia dự án thuộc xã Tử Nê (Tân Lạc), Hội nông dân xã và các trưởng thôn thuộc xã Trung Hòa (Tân Lạc)

Sau 3 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được bộ tiêu chí và xác định, khoanh vẽ rừng có giá trị bảo tồn cao trong vùng dự án tại các xã Đồng Bảng và Phúc Sạn (Ban Quản lý rừng phòng hộ Mai Châu), Phú Vinh và Trung Hòa (Lâm trường Tân Lạc). Dự án cũng đã tăng cường năng lực trong việc điều tra, quy hoạch và quản lý rừng giá trị bảo tồn cho các cán bộ lâm nghiệp và các bên hưởng lợi của dự án tại các cấp của tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ các cộng đồng thôn bản tham gia dự án xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học, làm giàu rừng kết hợp với phát triển lâm sản ngoài gỗ và sản xuất nông nghiệp như trồng mây nếp dưới tán rừng tự nhiên của cộng đồng, làm giàu rừng tự nhiên (rừng phòng hộ) bằng cách trồng bổ sung các cây cho sản phẩm ngoài gỗ như Sấu và Trám trắng, thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng và hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất chăn nuôi…. Nhờ đó, đời sống của người dân trong các cộng đồng tham gia dự án dần dần được cải thiện hơn và rừng được bảo vệ tốt hơn, bảo tồn được đa dạng sinh học của rừng.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ông Nguyễn Văn Thịnh – Giám đốc Lâm trường Tân Lạc đã nói: “Phải nói đây là một dự án rất có ý nghĩa đối với người dân trồng rừng nói chung và các cán bộ lâm nghiệp chúng tôi nói riêng. Nhờ có dự án mà chúng tôi đã được biết đến bộ tiêu chí, biết xác định và khoanh vẽ những khu vực rừng có giá trị bảo tồn cao. Người hưởng lợi đã biết trồng những cây mây nếp trong rừng của mình để phát triển kinh tế.”

TH