Tài liệu được biên soạn trong khuôn khổ dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số”. Dự án do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ) tài trợ thông qua tổ chức Bread for the World và tổ chức INKOTA. Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế-Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai Dự án trên địa bàn huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình và huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An từ năm 2020 đến năm 2022.

Các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất thường có những ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống người dân tộc thiểu số ở Việt Nam vì sinh kế của họ phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên đất và rừng. Để hỗ trợ người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế-xã hội, Đảng và nhà nước Việt Nam đã quan tâm ban hành các chủ trương, chính sách đặc thù nhằm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, nhất là hộ DTTS nghèo, sống ở những vùng khó khăn. Tuy nhiên, đồng bào DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng vẫn còn hạn chế trong tiếp cận thông tin pháp luật về đất đai để phát triển kinh tế gia đình cũng như đảm bảo quyền bình đẳng trong quản lý và sử dụng đất.

Dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ php lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” được triển khai ở huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình và huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 10 năm 2022. Dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng nam nữ trong quản lý và sử dụng đất thông qua các hoạt động truyền thông và tư vấn pháp luật theo hình thức trực tiếp. Tại Mai Châu (Hoà Bình), Viện CISDOMA phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Mai Châu khi triển khai các hoạt động Dự án trên địa bàn 6 xã. Tại Quế Phong (Nghệ An), Viện CISDOMA phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An và UBND huyện Quế Phong khi triển khai các hoạt động dự án trên địa bàn 13 xã, thị trấn.

Cuốn tài liệu “Mô hình truyền thông và tư vấn pháp luật về đất đai cho phụ nữ dân tộc thiểu số” là kết quả tổng hợp, phân tích thông tin trong các tài liệu, báo cáo Dự án, các chuyến đi thực tế tại các địa bàn triển khai Dự án. Thông qua cuốn tài liệu này, Viện CISDOMA mong muốn chia sẻ mô hình tới các cơ quan, đơn vị có chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các tổ chức đoàn thể xã hội để có thể nhân rộng mô hình trên địa bàn nhiều địa phương có bối cảnh tương đồng trong cả nước góp phần đạt mục tiêu bình đẳng nam nữ trong quản lý và sử dụng đất.