Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) vừa thắng thầu cạnh tranh gói tư vấn “Kiểm tra đánh giá các doanh nghiệp/nhà hàng trong việc thực hiện các thực hành tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP và xử lý sau thu hoạch”. Đây là một phần trong dự án thúc đẩy thương mại về “Cải thiện điều kiện vệ sinh và Kiểm dịch thực vật tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.
Hiện nay tại Lào cũng như các nước lân cận trong khu vực ASEAN, du lịch đang là một ngành phát triển nhanh, đi kèm với nó là sự gia tăng của các cơ sở chế biến thực phẩm, các quán ăn, nhà hàng/khách sạn phục vụ du lịch. Tuy nhiên, có một khoảng cách khá xa giữa những tiêu chuẩn đặt ra về an toàn thực phẩm và thực tế sản xuất tại các cơ sở này. Bên cạnh đó, những thông tin và hệ thống tiêu chuẩn tốt để giám sát, đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và xử lý sau thu hoạch còn chưa đầy đủ.
Dự án thúc đẩy thương mại về “Cải thiện điều kiện vệ sinh và Kiểm dịch thực vật tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ nhằm cải thiện năng lực quản lý chất lượng thực phẩm cho các nước tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Lào.
Trong dự án này, CISDOMA đóng vai trò là nhà thầu chính cung cấp gói dịch vụ tư vấn “Kiểm tra đánh giá các doanh nghiệp/nhà hàng tại Lào trong việc thực hiện các thực hành tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP và xử lý sau thu hoạch” với các mục tiêu:
- Cải thiện việc áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và phát triển hệ thống chấm điểm cho các nhà hàng và doanh nghiệp thực phẩm.
- Cải thiện hệ thống cấp giấy chứng nhận độc lập của phương pháp thực hành tốt trong việc xử lý sau thu hoạch và GAP cho việc thúc đẩy xuất khẩu ngô và gạo.
Dự án được triển khai trong vòng 14 tháng (từ tháng 10, 2016 đến tháng 12, 2017). Các chuyên gia tư vấn của CISDOMA sẽ phối hợp với nhóm tư vấn và Vụ Kế hoạch và Hợp tác, Cục Bảo vệ Thực Vật (thuộc Bộ Nông Lâm Nghiệp) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (thuộc Bộ Y Tế) để triển khai thực hiện gói tư vấn đào tạo và hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ và thanh tra viên của Lào về sử dụng các phương pháp, công cụ để thực hiện kiểm tra đánh giá VSATTP và thực hành tốt trong xử lý sau thu hoạch.
Việc đánh giá sẽ được thực hiện với 40 cơ sở chế biến sau thu hoạch, hơn 100 cơ sở chế biến thực phẩm và 260 nhà hàng để thúc đẩy việc thực hiện các thực hành tốt về chế biến và xử lý thực phẩm an toàn, GAP và xử lý sau thu hoạch . Dự án được tin tưởng và kỳ vọng sẽ tăng cường tốt hơn nữa năng lực xử lý an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp thực phẩm phục vụ trong ngành công nghiệp du lịch của Lào.