Năng lực và sự tham gia của phụ huynh đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Trong giáo dục, sự tham gia của phụ huynh đã được chứng minh giúp cải thiện và nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Xác định cha mẹ là một yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn ở Việt Nam,” tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và đồng thực hiện bởi CISDOMA và Aide et Action ở huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) từ năm 2016 đến năm 2018, đã áp dụng nhiều sáng kiến tăng cường sự tham gia của phụ huynh, nổi bật là việc thí điểm Mô hình Chi hội Phụ huynh Mở rộng (CH PHHS) và sử dụng phụ huynh làm trợ giảng trong các hoạt động dạy và học.
Mô hình CH PHHS là một mô hình được phát triển nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giáo dục, có nhiều khả năng nhân rộng. CH PHHS gồm 30 nhóm tự quản với thành viên được bầu chọn từ các Hội Phụ huynh ở các trường và các thành viên có nhiều tiếng nói trong cộng đồng, chẳng hạn như trưởng bản. Định kỳ hàng tháng, các CH PHHS mở rộng tổ chức các cuộc họp bàn luận về các vấn đề thường gặp trong trường học và cộng đồng, truyền thông về kĩ năng làm cha mẹ, và thảo luận về bộ tài liệu bổ trợ song ngữ Việt – Mông – một bộ tài liệu do dự án phát triển, sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ Việt và Mông làm ngôn ngữ chính trong quá trình giảng dạy, và tập trung vào năm chủ đề gồm bình đẳng giới, kĩ năng sống và bảo đảm môi trường an toàn, kỹ năng phòng chống thiên tai, quyền trẻ em, và văn hóa bản địa và trò chơi dân gian.
Hình ảnh: Cha mẹ thảo luận về cách rửa tay đúng cách trong một cuộc họp CH PHHS mở rộng
Ngoài việc tham gia vào các CH PHHS mở rộng, phụ huynh tại vùng dự án còn được huy động tham gia trợ giảng cho giáo viên trong các giờ học ngoại khóa có sử dụng bộ tài liệu bổ trợ song ngữ của dự án. Để giúp phụ huynh tham gia các hoạt động giáo dục một cách tích cực, dự án cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức và cung cấp các khóa tập huấn về nhiều chủ đề từ kĩ năng làm cha mẹ, phương pháp trợ giảng đến các kĩ năng điều phối, thúc đẩy và huy động nguồn lực cộng đồng.
Các kết quả thu được rất đáng khích lệ. Trong vòng ba năm dự án, hơn 500 cuộc họp CH PHHS đã được tổ chức, nhờ đó, phụ huynh ngày càng tham gia tích cực hơn vào quá trình giám sát, lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động trường học, đồng thời cải thiện các thực hành chăm sóc và giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ huynh trợ giảng trong các giờ học ngoại khóa cũng giúp thúc đẩy sự hứng thú, tự tin và tăng cường kiến thức của trẻ.
Hình ảnh: Một lớp học tăng cường với sự giúp đỡ của phụ huynh trợ giảng