Diễn đàn đất đai tiểu vùng sông Mekong lần thứ 3 được tổ chức thành công với hơn 700 đại biểu đăng ký tham dự. CISDOMA tham gia tích cực và đóng góp nhiều kinh nghiệm trong việc thúc đẩy quản trị đất có trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng yếu thế.

Tiếp nối sự thành công của 2 Diễn đàn năm 2016 và năm 2018, Dự án Quản trị đất đai tiểu vùng sông Mekong (MRLG) kết hợp cùng Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) và Land Portal tổ chức Diễn đàn đất đai tiểu vùng sông Mekong lần thứ 3 theo hình thức trực tuyến ngày 26 – 27/5.

Chủ đề xuyên suốt của diễn đàn là “Quyền sử dụng đất trong cảnh quan rừng ở tiểu vùng sông Mê Công” trong đó tập trung vào hai nội dung chính là (1) thúc đẩy việc công nhận các quyền theo phong tục và (2) thực hành đầu tư có trách nhiệm”. Diễn đàn đã thu hút hơn 700 đại biểu đăng ký tham gia bao gồm đại diện các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, cơ quan phát triển, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế… đến từ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam và một số quốc gia khác.

     Hỗ trợ tư vấn pháp lý về quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số



Các phiên thảo luận tại Diễn đàn xoay quanh 2 nội dung : (1) trình bày nghiên cứu về các trường hợp điển hình liên quan đến thách thức trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất và rừng, đặc biệt của cộng đồng dân tộc thiểu số và (2) tác động của đầu tư kinh doanh nông nghiệp ở mỗi quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kong, khu vực ASEAN trong bối cảnh dịch Covid 19.

Tại diễn đàn, một số công cụ quốc tế và thực hành tốt được giới thiệu như Hướng dẫn tự nguyện của FAO về Quản trị Đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản và Rừng (VGGT), nguyên tắc đồng thuận tự nguyện, được thông báo trước với đầy đủ thông tin (FPIC) và hướng dẫn đầu tư có trách nhiệm vào lương thực, lâm nghiệp và nông nghiệp (ASEAN-RAI). Những thảo luận tại diễn đàn cũng đi đến một thông điệp nhất quán là: Quản trị đất đai trong cảnh quan rừng khu vực sông Mekong sẽ công bằng, thuận lợi và bền vững hơn khi xem xét và tuân thủ các nguyên tắc đã được hướng dẫn trong các cộng cụ này.

Từ năm 2016, CISDOMA đã triển khai nhiều dự án hiện trường và các Nghiên cứu, khảo sát trong lĩnh vực quản tri đất đai. Trong đó có một số dự án như: Tăng cường quyền bình đẳng đất đai của phụ nữ DTTTS thông qua truyền thông pháp luật và hỗ trợ pháp lý tại Hòa Bình và Nghệ An, dự án “Tăng cường tiếp cận, quản lý và sử dụng đất và rừng dựa trên luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Kon Tum. Bên cạnh đó, CISDOMA cũng đã và đang triển khai nhiều khảo sát, nghiên cứu về việc công nhận và thực hiện quyền tiếp cận, quản lý và sử dụng tài nguyên theo tập quán, Nghiên cứu về tích tụ, tập trung đất NN…Đồng thời CISDOMA cũng tích cực tham gia các hoạt động của Liên minh đất rừng (FORLAND), liên minh Nông nghiệp (AgriCo), Liên minh đất đai (LANDA), Hiệp hội Nông dân Châu Á (AFA), MRLG và các đối tác Nhà nước như Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TNMT), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) và các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy công nhận quyền sử dụng đất/rừng theo tập quán và áp dụng các nguyên tắc Đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm.


Tại Diễn đàn đất đai tiểu vùng song Mekong lần này, CISDOMA tham gia với vai trò thành viên tích cực của Diễn đàn có bài trình bày và điều hành 2 phiên thảo luận sâu về áp dụng FPIC và cơ hội thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong nông nghiệp.

Hỗ trợ kỹ thuật cho VRG để áp dụng các nguyên tắc của RAI và FPIC trong quản lý rừng bền vững

Với những bài học từ thực tế triển khai dự án hiện trường, kết quả các nghiên cứu về quyền đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, CISDOMA đang tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình đóng góp ý kiến trong tiến trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn theo hướng bảo vệ quyền lợi của người nông dân sản xuất quy mô nhỏ, đồng bào dân tộc thiểu sổ.