Từ tháng 1/2020 – 12/2022, với tài trợ của Tổ chức INKOTA và Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Đức), Viện CISDOMA đã phối hợp với các đơn vị đối tác địa phương triển khai dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” tại huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Quế Phong (Nghệ An). Dự án đã được triển khai theo cách nâng cao kiến thức pháp luật đất đai và kỹ năng truyền thông, tư vấn cho cán bộ chức năng cấp huyện, cấp xã sau đó các cán bộ này trực tiếp thực hiện truyền thông, tư vấn cho người dân, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tại nhà văn hóa cộng đồng hoặc hộ gia đình cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, luật sư của Trung tâm Trợ giúp Pháp lý nhà nước.

Trong khuôn khổ thực hiện dự án, 79 sự kiện truyền thông về quy định pháp luật về bình đẳng nam nữ trong quản lý và sử dụng đất đã được tổ chức tại 79 thôn bản với sự tham gia của 3.781 người dân DTTS (trong đó 76,3% là phụ nữ). Người dân, phụ nữ DTTS tham gia sự kiện truyền thông đã được trang bị những kiến thức liên quan đến những quy định pháp luật liên về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình trong quản lý và sử dụng đất, cũng như bình đẳng nam nữ trong quản lý và sử dụng đất.

Bà Bùi Thị Uồn – một phụ nữ dân tộc Mường ở xóm Panh, xã Bao La, huyện Mai Châu bày tỏ: Thời bà đi lấy chồng thì con gái không được chia đất đai. Khi tham dự các sự kiện truyền thông và được tư vấn, bà mới biết con trai và con gái đều có quyền bình đẳng trong việc thừa hưởng đất đai của bố mẹ. Bà đã trao đổi với chồng đề nghị UBND xã làm thủ tục đổi tên sổ đỏ của gia đình mình để có tên của cả hai vợ chồng.

Một sự kiện truyền thông tại xã Cắm Muôn (Quế Phong)

Sau các sự kiện truyền thông tại thôn bản 1.386 người dân (trong đó 49,1% phụ nữ DTTS) có vướng mắc liên quan đến pháp luật đất đai của cá nhân, gia đình mình đã được tư vấn hướng giải quyết. Trong tổng số các trường hợp được tư vấn có 59% trường hợp đã được giải quyết, 62% trường hợp đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để giải quyết các vướng mắc liên quan đến đất đai của cá nhân gia đình mình. Các vướng mắc của người dân xoay quanh các nội dung như: Cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) đất; Sang tên GCNQSD đất khi được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường về đất và tranh chấp đất đai. Trong số 1.386 trường hợp được tư vấn có 118 trường hợp đang có vướng mắc về tranh chấp đất đai. Các dạng tranh chấp của người dân gặp phải bao gồm: Tranh chấp mốc giới; Sử dụng thửa đất mà sổ đỏ tên người khác; Lấn chiếm ranh giới giữa các thửa đất; Tranh chấp quyền thừa kế là QSD đất; Tranh chấp khi phân chia QSD đất sau ly hôn.

Thống kê cho thấy 119 cán bộ cấp huyện, cấp xã có chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tham mưu trong công tác quản lý đất đai, bảo vệ phụ nữ đã được tập huấn về các quy định pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng đất, kỹ năng truyền thông và tư vấn trực tiếp về các quy định pháp luật đất đai. Sau khi được tập huấn cán bộ đã trực tiếp tham gia truyền thông và tư vấn cho người dân địa phương mình trong khuôn khổ hoạt động dự án và áp dụng vào công việc của mình.

Phụ nữ ở xã Bao La (huyện Mai Châu) được tư vấn vướng mắc của gia đình

Anh Hà Công Nhuận, Công chức Tư pháp xã Bao La, huyện Mai Châu, cho biết bản thân tiếp thu được rất nhiều lợi ích. Trước kia thì cũng chỉ hướng dẫn dân chủ yếu là về hồ sơ và khái quát qua, chưa nắm rõ được như bây giờ. Bản thân bây giờ thấy tự tin hơn trong việc giải thích, hướng dẫn cách giải quyết những vướng mắc cho người dân, biết cách nói câu nào trước câu nào sau, tuyên truyền cho người dân kỹ hơn.

Anh Nhuận (áo trắng) đang tư vấn cho người dân tại nhà văn hóa thôn bản

Các cán bộ chức năng, cán bộ chuyên môn của địa phương khẳng định dù dự án kết thúc nhưng vẫn sẽ tiếp tục áp dụng các phương pháp, cách tiếp cận của dự án trong hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật hàng năm ở địa phương. Anh Nguyễn Ngọc Huy, Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Phong cho biết cá nhân mình tiếp tục áp dụng cách thức tiếp cận người dân địa phương và phương pháp, kỹ năng truyền thông, tư vấn vào các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai của Phòng trong những năm tới.

Để duy trì và nhân rộng các phương pháp, cách tiếp cận của dự án, Phòng Tư pháp huyện Quế Phong và Mai Châu- với vai trò là thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã tham mưu đưa hoạt động truyền thông và tư vấn pháp luật đất đai cho phụ nữ như là một nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm trên địa bàn huyện và triển khai xuống tất cả các xã.

Viện CISDOMA đã phối hợp với UBND huyện Quế Phong xây dựng đề xuất và vận động tổ chức INKOTA tài trợ để thực hiện dự án “Nâng cao thu nhập và tăng cường bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An” thời gian thực hiện từ tháng 3 năm 2023 đến tháng 12 năm 2026.