Mới đây, CISDOMA đã tham gia Hội đồng thành viên quốc gia về Quản lý tri thức của Liên minh Học tập về Nông nghiệp sinh thái ở khu vực ASEAN (ALiSEA) tại Việt Nam.
Ngành Nông nghiệp của các nước Đông Nam Á đang đứng trước lựa chọn cấp bách giữa các mô hình canh tác nông nghiệp. Một bên là các mô hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và một bên là phương thức canh tác thâm canh cao dù mạng lại năng suất và sản lượng nông nghiệp cao trong ngắn hạn, nhưng đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, rủi ro cho người nông dân sản xuất nhỏ. Nhằm khắc phục những hạn chế của phương thức canh tác thâm canh cao phụ thuộc vào các đầu vào hóa học này, Nông nghiệp sinh thái đang được coi như một lựa chọn đúng đắn để hướng đến một nền Nông nghiệp bền vững và hệ thống lương thực, thực phẩm an toàn.
Liên minh Học tập về Nông nghiệp sinh thái ở khu vực ASEAN (ALiSEA) thuộc Chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và Hệ thống lương thực An toàn (ASSET)” do Cơ Quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, điều phối bởi tổ chức GRET nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái tại các quốc gia Đông Nam Á. Đây là một mạng lưới với hơn 150 thành viên tại các quốc gia Đông Nam Á bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức của nông dân, cơ quan nghiên cứu, khu vực tư nhân và cơ quan chính phủ…. ALiSEA được coi là mạng lưới hoạt động tích cực nhất trong số các mạng lưới thúc đẩy Nông nghiệp sinh thái trong khu vực.
Từ tháng 4 năm 2021, CISDOMA tham gia với vai trò Hội đồng thành viên quốc gia về Quản lý tri thức của ALiSEA tại Việt Nam. Với vai trò này, CISDOMA phụ trách việc xây dựng chiến lược kế hoạch hành động của Mạng lưới ở cấp quốc gia trong các hoạt động liên quan đến Quản lý tri thức của Mạng lưới, chẳng hạn như tìm kiếm, xác định các sáng kiến điển hình, tài liệu hóa các thực hành tốt về chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và hệ thống lương thực phẩm, thúc đẩy quá trình tài liệu hóa và chia sẻ thông tin giữa các thành viên Mạng lưới cũng như chia sẻ ra bên ngoài.
Từ năm 2017, là thành viên tích cực của mạng lưới của ALiSEA, CISDOMA đã thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các thực hành Nông nghiệp sinh thái thông qua các dự án phát triển của Viện, điển hình như các hoạt động giám sát và giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV độc hại, sử dụng chế phẩm sinh học thay cho thuốc trừ sâu hóa học, canh tác hợp lý trên đất dốc, canh tác lúa hữu cơ, chế biến và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp… Bên cạnh đó, CISDOMA cũng đi tiên phong trong việc thúc đẩy áp dụng các Bài tập Mô phỏng để nâng cao năng lực phân tích và ra quyết định của nông dân trong chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái. Đây chính là giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt trong việc áp dụng các phương thức sản xuất sinh thái, đó chính là nhận thức của người nông dân.
Nông nghiệp sinh thái được hiểu là nền sản xuất nông nghiệp dựa trên việc áp dụng các nguyên tắc sinh thái để tối ưu hóa các tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường, đồng thời giải quyết được hài hòa các khía cạnh xã hội và kinh tế cần thiết cho một hệ thống lương thực bền vững và công bằng. Nông nghiệp sinh thái là giải pháp để xây dựng và duy trì sự gắn kết hài hòa giữa sản xuất lương thực, an ninh lương thực và dinh dưỡng, sinh kế nông thôn và đồng thời khôi phục các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học cần thiết cho nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp sinh thái cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.Về thực hành, Nông nghiệp sinh thái bao gồm các hệ thống canh tác sáng tạo, ít phụ thuộc vào hóa chất và bao gồm một loạt các thực hành lành mạnh hơn, thân thiện với môi trường và ổn định về mặt xã hội; cụ thể như các mô hình canh tác sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu địa phương, giảm đầu vào hóa học, canh tác nông lâm kết hợp, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, thiết kế hệ thống canh tác theo cảnh quan, canh tác hữu cơ, nông nghiệp bảo tồn….
Chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và Hệ thống lương thực An toàn (ASSET)” do Cơ Quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, điều phối bởi tổ chức GRET nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái tại các quốc gia Đông Nam Á. Mục tiêu chung của Chương trình là hướng đến một hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp ở Đông Nam Á bền vững hơn, an toàn hơn và toàn diện hơn, thông qua việc khai thác tiềm năng của Nông nghiệp sinh thái để chuyển đổi nền nông nghiệp và hệ thống thực phẩm. Chương trình được triển khai trong 5 năm từ 2020 đến 2025 ở 4 nước Cambodia, Lào, Myanmar và Việt Nam.