Trong tháng 9/2017, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế – Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) đã phối hợp với UBND huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) và UBND thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức hai khóa tập huấn về biến đổi khí hậu và tác động tới địa phương tại hai địa bàn dự án. Đây là các hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Sinh kế thích ứng đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương tại Việt Nam” do tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới (BfdW), Quỹ Australia vì Nhân dân Châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) và một số nguồn địa phương tài trợ.
Khóa tập huấn hướng tới nâng cao nhận thức và hiểu biết của cán bộ địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương về biến đổi khí hậu và những tác động của nó đối với sinh kế / nông nghiệp địa phương. Tham gia vào hai khoá tập huấn này, có cán bộ cấp huyện và cấp xã, đại diện của các cộng đồng dễ bị tổn thương. Bên cạnh việc cung cấp các kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu và những tác động của nó, khóa tập huấn tập trung cụ thể vào các chủ đề có liên quan đến bối cảnh địa phương và sinh kế của người dân.
Trong khóa tập huấn, các học viên được hướng dẫn để thảo luận về hiện tượng biến đổi khí hậu ở địa phương và ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu này đối với nông nghiệp và môi trường sống địa phương. Các học viên cũng được thảo luận về những khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp nông nghiệp thích ứng và phân tích các giải pháp để giải quyết vấn đề.
Tại huyện Tam Đường, khóa tập huấn tập trung vào phân tích những tác động của hạn hán và rét đậm rét hại, là những vấn đề đang ảnh hưởng đến huyện nhiều nhất. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường, đợt rét từ 22/01 đến 30/01/2016 đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp. Hậu quả là, 133.296 ha lúa, 128.045 ha ngô, 1373.52 ha thảo quả bị ảnh hưởng, 276 con gia súc bị chết bởi trận rét này tại huyện Tam Đường.
Các học viên tích cực tham thảo luận sau bài thuyết trình nhóm
Sau khóa tập huấn, anh Quàng Văn Thóc, cán bộ khuyến nông xã Bình Lư (huyện Tam Đường) chia sẻ: “Ban đầu tôi chưa hiểu về biến đổi khí hậu, thấy nội dung hơi xa vời. Cuối khóa tập huấn, tôi đã hiểu về biến đổi khí hậu và tác động của nó, tôi thấy rất hữu ích cho công việc của mình. Tôi cứ tưởng chăn nuôi chẳng ảnh hưởng, sau khi được tập huấn mới hiểu tác hại của phát thải trong chăn nuôi. Tôi mong khóa tập huấn kéo dài nhiều thời gian hơn nữa”.
Ảnh chụp các thành viên tham gia tại huyện Tam Đường
Tại thị xã Ngã Năm, các chủ đề thảo luận chính là xâm nhập mặn và hạn hán. Theo kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Sóc Trăng, có từ 948,20-1.176 ha đất nông nghiệp thị xã Ngã Năm sẽ ngập nước nếu mực nước biển dâng thêm 75 cm. Địa hình thấp và bằng phẳng dẫn đến thoát nước kém, ngập lụt thường xuyên vào mùa mưa trong khi thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do xâm nhập mặn vào mùa khô.
Học viên đang thảo luận nhóm
Ảnh chụp các thành viên tham gia tại thị xã Ngã Năm
Hai khóa tập huấn này là những hoạt động đầu tiên của dự án “Sinh kế thích ứng đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương tại Việt Nam” dưới sự hướng dẫn của ông Trương Quốc Cần – chuyên gia của CISDOMA, áp dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm, bằng cách kết hợp cung cấp thông tin và hỗ trợ thảo luận nhóm về các trường hợp thực tế. Với cách tiếp cận có sự tham gia này, các học viên tích cực tham gia, thảo luận và trao đổi kiến thức, phát huy được những kinh nghiệm và sự hiểu biết của họ về chủ đề tập huấn.