Việc học thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ đảm bảo sự giáo dục phù hợp nhất cho sự phát triển của một đứa trẻ. Tuy nhiên, đối với những trẻ em dân tộc thiểu số, chương trình học cung cấp cho các em là chương trình chuẩn quốc gia, được thiết kế chủ yếu dành cho cộng đồng người Kinh– 100% là bằng tiếng Việt và các nội dung cũng tập trung rất nhiều vào người Kinh. Chương trình học này không phản ánh đúng hay nói cách khác, là không gần gũi với cuộc sống thường ngày của các em. Vì vậy, việc xây dựng một môi trường giáo dục phù hợp hơn cho các em, nói rõ hơn những nhu cầu và trải nghiệm, cũng như thúc đẩy sự hòa nhập và an toàn của các em là một ưu tiên cấp bách. Những nội dung học tập bổ trợ bằng tiếng địa phương sẽ giúp cho các em có thể học bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và liên quan tới những vấn đề của các em.
Chính vì thế, việc xây dựng bộ tài liệu bổ trợ song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Mông là một trong những mục tiêu quan trọng của dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn ở Việt Nam” do Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế- Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) phối hợp thực hiện cùng tổ chức Aide et Action, dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu.
Để thực hiện mục tiêu này, CISDOMA đã hợp tác với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục – Đào tạo Lai Châu, tổ chức Aide et Action, các giáo viên thuộc các trường mầm non và tiểu học trong phạm vi dự án cùng các bên liên quan khác xây dựng tài liệu bổ trợ bằng cả tiếng Việt và tiếng Mông dành cho trẻ em dân tộc Mông trong độ tuổi từ 5 – 8 trên địa bàn dự án.
Dựa trên những đánh giá thực địa và tham vấn, 5 chủ đề phù hợp với thực tế địa phương đã được lựa chọn.
Đến tháng 12/2016, bộ tài liệu bổ trợ song ngữ đã được hoàn thành và phê duyệt bởi Sở Giáo dục – Đào tạo Lai Châu để đưa vào giảng dạy, lồng ghép trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh. Được thiết kế dưới hai hình thức truyện màu và video, bộ tài liệu tập trung vào việc cung cấp cho các em các kiến thức, kỹ năng liên quan đến 05 chủ đề phù hợp với thực tế địa phương, bao gồm: Bình đẳng Giới, Quyền trẻ em, Văn hóa Bản địa và Trò chơi Dân gian, Kỹ năng sống và Đảm bảo Môi trường sống An toàn, và Kỹ năng Phòng chống Thiên tai.
Khi được đưa vào giảng dạy trong các trường, bộ tài liệu này sẽ giúp các em tiếp thu được các kiến thức, kỹ năng thiết thực đến đời sống hàng ngày của mình, làm phong phú thêm chương trình giảng dạy dành cho khối mầm non và tiểu học tại địa phương. Đặc biệt, các bài học được tổng hợp trong những tài liệu này đều xuất phát từ những tình huống chân thực ở địa phương, những nét văn hóa đặc trưng, trò chơi dân gian của cộng đồng. Việc dạy và học các nội dung này cũng sẽ giúp bảo tồn và phát huy những tri thức bản địa và văn hóa truyền thống của của cộng đồng.