Ngày 25-26 tháng 7 năm 2018, CISDOMA tổ chức lớp tập huấn cho 30 nông dân về sử dụng mềm theo dõi đầu vào sản xuất trên điện thoại di động (Rtwork) và triển khai thí điểm tại Tam Đường, Lai Châu trong vụ ngô hè thu 2018. Việc sử dụng phần mềm trên điện thoại di động là giải pháp rất có triển vọng nhằm hỗ trợ quản lý đầu vào trong sản xuất nông nghiệp tạo thuận lợi cho việc truy suất nguồn gốc, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Chất lương nông sản và an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm thời sự của toàn xã hội. Ở Việt Nam, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy việc áp dụng các quy trình sản xuất sạch hơn, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Ngày càng có nhiều hơn các loại nông sản được cấp các loại chứng nhận sản phẩm an toàn như VietGap, Global Gap, chứng nhận hữu cơ. Tuy nhiên, trên thực tế, người tiêu dùng còn chưa thực sự yên tâm với các chứng nhận sản phẩm an toàn này do việc quản lý, giám sát việc tuân thủ các quy trình còn nhiều thách thức.

Vỏ chai lọ thuốc trừ cỏ, trừ sâu vương vãi trên ruộng

Sự phát triển nhanh chóng các thiết bị di động ở Việt Nam là một cở sở tiềm năng cho việc thu thập và giám sát các dữ liệu thông tin về đầu vào và quy trình sản xuất, cải thiện khả năng truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, từ đó cho phép người sản xuất đạt được những chứng nhận uy tín cho chất lượng sản phẩm của mình và tạo được lòng tin với người tiêu dùng. Ngoài ra, người dân có thể sử dụng điện thoại động trong việc kết nối tạo thành mạng lưới liên kết nông dân, và được xem như là một diễn đàn nơi người dân có thể chia sẻ thông tin, kiến ​​thức, và kinh nghiệm liên quan đến thực hành nông nghiệp sinh thái.

Trong khuôn khổ của dự án Liên minh học tập nông nghiệp sinh thái (ALiSEA), CISDOMA đã tổ chức lớp tập huấn cho 30 nông dân về sử dụng mềm rtWork hỗ trợ quản lý thông tin quy trình và đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Các nông dân này sẽ là nhóm nòng cốt sử dụng thí điểm ứng dụng này để cập nhật và theo dõi tình hình sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ trong sản xuất ngô tại địa phương với sự tham gia của 100 hộ nông dân. Qua tập huấn này, nông dân đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản và thực hành sử dụng phần mềm rtWork để hỗ trợ trong quản lý sản xuất nông nghiệp. Ngay sau đó, các học viên đã thực hành sử dụng điện thoại di động với phần mềm rtWork ngay trên đồng ruộng. Học viên tự thu thập, nhập số liệu về các thông tin thực tế sản xuất ngô của gia đình mình.

Nông dân thực hành theo dõi và nhập số liệu

Bên cạnh đó, nhóm nông dân và cán bộ địa phương đã tiến hành một khảo sát sơ bộ cùng với chuyên gia quốc tế Dr. Pierre Ferrand, trưởng dự án ALISEA Dr. Burra Dharani, Trung nghiên cứu cây trồng nhiệt đới (CIAT) và về tình hình sử dụng thuốc trừ cỏ trên đồng ruộng tại xã Bình Lư và Khào Thầu. Kết quả khảo sát nhanh này cũng cho thấy nhận thức và thực hành của cộng đồng trong việc sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ còn nhiều hạn chế. Nông dân vẫn sử dụng các loại thuốc trừ cỏ có độc tính cao và đã cấm lưu hành (Paraquat), vỏ thuốc trừ sâu, trừ cỏ không được xử lý đúng cách.

Thảo luận về khả năng sử dụng phần mềm rtWork cho thấy, 100% học viên đều mong muốn thực hành rtWork vào quản lý canh tác sản xuất của gia đình mình và cho rằng việc này sẽ không những giúp họ cải thiện được chất lượng sản phẩm, mà còn giúp hạn chế rủi ro khi mua phải các vật tư nông nghiệp kèm chất lượng. Một nông dân thôn Khào Thầu, Bình Lư, Tam Đường chia sẻ: “Năm ngoái vịt nhà tôi ăn ngô của đại lý có tẩm hóa chất bảo quản độc hại nên bị chết hàng loạt, thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Nhưng chủ cửa hàng từ chối trách nhiệm và không công nhận là tôi đã từng mua thức ăn tại cửa hàng của anh ta. Nếu có tập huấn này sớm hơn thì tôi đã có thể truy xuất chứng minh nơi mua thức ăn cám ngô ở đâu, và không bị thiệt hại như vậy”.

Hướng dẫn thực hành tại ruộng

Phần mềm rtWork được phát triển bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn phân tích thời gian thực (RTA) là công cụ hỗ trợ quản lý công việc nói chung và quản lý cho ngành nông nghiệp nói riêng thông qua công cụ điện tử. Việc giới thiệu phần mềm này tới người nông dân mang đến cơ hội tốt nhằm tối ưu hóa việc quản lý quy trình sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tăng lợi nhuận cho người nông dân. Đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, đảm bảo sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng.