Ngày 27/5/2022, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế-Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) đã phối hợp với các đơn vị đối tác tổ chức hội thảo chia sẻ mô hình truyền thông, tư vấn pháp luật đất đai cho phụ nữ DTTS. Hội thảo diễn ra tại huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) với sự tham gia của gần 70 đại biểu đến từ các cơ quan chức năng cấp trung ương và địa phương trong lĩnh vực quản lý đất đai, tuyên truyền phổ biến pháp luật, bảo vệ phụ nữ.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên &Môi trường công bố ngày 20/5/2020 cho đến nay, giấy chứng nhận QSD đất đã cấp cho hộ gia đình có chung QSD đất hoặc giấy chứng nhận đã cấp cho tài sản chung là của vợ và và chồng nhưng chỉ ghi tên người chồng hiện nay trên cả nước còn khoảng 12 triệu. Như vậy, còn nhiều phụ nữ có thể không được tham gia quyết định, định đoạt đối với QSD đất của gia đình, cũng như đối mặt với nguy cơ tranh chấp giữa những người thân trong gia đình bên chồng vì giấy chứng nhận không có tên của mình.

Mô hình truyền thông, tư vấn pháp luật để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai cho phụ nữ DTTS đã được triển khai trên địa bàn 19 xã của 2 huyện triển khai tại huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình và huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An từ tháng 5/2020. Viện CISDOMA chủ trì và phối với các đơn vị đối tác gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An, UBND huyện Mai Châu và UBND huyện Quế Phong trong việc triển khai mô hình.

Cán bộ địa phương có chức năng tuyên truyền phổ biến pháp luật hoặc tham mưu cho công tác quản lý đất đai đã được nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ trong quyền sử dụng đất và kỹ năng truyền thông, kỹ năng tư vấn pháp luật. Cán bộ chức năng sau khi được tập huấn đã phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn cho người dân, phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương mình. Đến nay 3.579 người dân (trong đó 81,5% là phụ nữ DTTS) sau khi tham gia sự kiện truyền thông tại thôn bản đã hiểu rõ những quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất. 469 người dân (trong đó 51,4% là phụ nữ DTTS ) có vướng mắc liên quan đến đất đai của gia đình, của cộng đồng đã được tư vấn các thức giải quyết. Các vướng mắc của người chủ yếu là các nội dung: cấp mới, cấp đổi sổ đỏ; sang tên sổ đỏ khi được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tranh chấp đất đai.

Các sự kiện truyền thông quy định pháp luật về bình đẳng nam nữ về QSD đất được các chuyên gia về lĩnh vực pháp luật đất đai, luật sư, cán bộ trợ giúp pháp lý phối hợp cùng với các cán bộ chức năng địa phương triển khai tại các thôn bản theo cách đơn giản hóa các nội dung và có tương tác thông qua trò chơi hỏi đáp, bài tập tình huống, đoạn video clip. Một bộ câu hỏi và các phương án trả lời về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thể hiện trong các văn bản pháp luật được lồng ghép qua các tình huống cụ thể trong đời sống. Người dân tham gia trả lời câu hỏi, chia sẻ, các chuyên gia và cán bộ chức năng sẽ bổ sung, cung cấp thêm các thông tin. Bà Bùi Thị Uồn, một phụ nữ dân tộc Mường, ở xóm  Panh, xã Bao La, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình sau khi tham dự sự kiện truyền thông đã bày tỏ “trước đây cứ nghĩ chỉ con trai mới được chia đất đai, sổ đỏ chỉ được đứng tên chồng nhưng bây giờ thì đã hiểu về quyền lợi của con trai cũng như con gái, sổ đỏ có thể mang cả tên chồng và tên vợ.

Ngay sau sự kiện truyền thông, những người dân đang có vướng mắc về pháp luật đất đã tư vấn trực tiếp tại gia đình để tìm hướng giải quyết và trợ giúp tiếp theo. Những vướng mắc của mỗi người dân và thông tin tư vấn hướng giải quyết được ghi chép lại trong Phiếu tư vấn pháp lý. Phiếu này được được đưa lại cho người dân kèm theo số điện thoại của chuyên gia, luật sư để liên lạc nếu cần được tư vấn hỗ trợ thêm. Không chỉ dừng lại ở những sự kiện truyền thông, tư vấn lưu động theo chiến dịch mà Các cán bộ chức năng địa phương đã đào tạo kiến thức, kỹ năng đã thực hiện việc tư vấn ban đầu, hướng dẫn tại chỗ, hòa giải và kết nối với các luật sư, trợ giúp viên pháp lý với những trường hợp hòa giải không thành để trợ giúp trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa án. Anh Hà Công Nhuận, Công chức tư pháp xã Bao La, Mai Châu, Hòa Bình cho biết  “Riêng bản thân tôi thì tôi cũng thấy đã có thêm kiến thức pháp luật liên quan đến đất đai, tự tin và có kỹ năng tuyên truyền trước đông đảo bà con hoặc tư vấn tại chỗ. Trước kia hướng dẫn cho người dân thì cũng chỉ hồ sơ, khái quát qua, chưa nắm rõ được như bây giờ”.

Nhằm mục tiêu nhân rộng mô hình này tới nhiều địa phương khác, Viện CISDOMA đang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng, ban hành “Tài liệu hướng dẫn thực hiện truyền thông, tư vấn pháp luật về đất đai cho phụ nữ”. Hy vọng với tài liệu hướng dẫn này thì hoạt động truyền thông, tư vẫn sẽ được thực hiệu quả hơn giúp cho nhiều phụ nữ được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai mà pháp luật đã quy định.