“Qua bài tập, tôi đã biết tính toán đầu tư hợp lý hơn”, chị Lương Thị Dơi, một nông dân xã Bình Lư, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) chia sẻ sau khi tham gia các bài tập mô phỏng. Các bài tập mô phỏng này được hỗ trợ bởi dự án “Thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái thông qua nâng cao năng lực phân tích và ra quyết định của nông dân bằng cách áp dụng các bài tập mô phỏng” do Liên minh Nghiên cứu Nông nghiệp Sinh thái Đông Nam Á (AliSEA) tài trợ.
Việt Nam đang thực hiện sự chuyển dịch chiến lược về lĩnh vực nông nghiệp, với định hướng mạnh mẽ từ chính phủ hướng tới cải thiện chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường. Từ khía cạnh kỹ thuật, việc áp dụng các phương thức sản xuất nông nghiệp sinh thái thân thiện vào hệ thống canh tác là cách duy nhất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và môi trường bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ và phương thức sản xuất thân thiện với môi trường đang gặp nhiều trở ngại. Trong đó, mức độ tiếp nhận và áp dụng thấp của đối với các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thân thiện với hệ sinh thái là một nút thắt. Một trong những lý do quan trọng của thực tế này là sự thiếu vắng các phương pháp tiếp cận hiệu quả trong việc tuyên truyền và thúc đẩy người nông dân, và do đó hạn chế việc áp dụng và mở rộng các thực hành tốt. Các bài tập mô phỏng đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả để thúc đẩy sự tham gia của người nông dân vào quá trình phân tích và ra quyết định, đồng thời cải thiện hiệu quả của các hoạt động nâng cao năng lực cho người nông dân.
Trong bối cảnh đó, CISDOMA thực hiện dự án “Thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái thông qua nâng cao năng lực phân tích và ra quyết định của nông dân bằng cách áp dụng các bài tập mô phỏng” tại huyện Tam Đường – tỉnh Lai Châu. Dự án hướng tới mục đích giải quyết vấn đề nút thắt của việc áp dụng các phương thức sản xuất nông nghiệp sinh thái mà chính là nhận thức của người nông dân.
Vào tháng 10/2017, dự án bắt đầu bằng khóa tập huấn cho cán bộ nông nghiệp và khuyến nông địa phương với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam – Tiến sỹ Patrick D’Aquino và Tiến sỹ Đoàn Thu Thủy. Những người tham gia từ khóa học này đã được giới thiệu và tập huấn về các phương pháp thiết kế và thúc đẩy các bài tập mô phỏng. Những cán bộ này sau đó trở thành những tập huấn viên để thúc đẩy áp dụng bài tập mô phỏng vào thực tiễn với nông dân. Trong 2 tuần, 10 tập huấn viên nòng cốt đã tham gia tập huấn và có đủ khả năng thúc đẩy các bài tập mô phỏng tại thôn bản.
Tập huấn cho cán bộ nông nghiệp và khuyến nông địa phương
Tham gia khóa tập huấn bởi các chuyên gia, chị Nguyễn Thị Thanh Nhã, một cán bộ dự án, thể hiện sự quan tâm với các bài tập mô phỏng: “Đây là lần đầu tiên tôi biết đến công cụ này. Bài tập mô phỏng này giúp cho người nông dân phải tự tìm kiếm các giải pháp cho mình từ những khó khăn, thách thức mà họ gặp phải trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đây là một công cụ phân tích có sự tham gia hoàn toàn mới và rất thú vị đối với bản thân tôi cũng như các thành viên khác trong lớp học. Tôi sẽ áp dụng công cụ này trong công việc của mình, và tôi nghĩ nhiều học viên khác cũng sẽ có những suy nghĩ như tôi”.
Sau khóa tập huấn, các học viên với vai trò là tập huấn viên đã tiến hành hướng dẫn các bài tập mô phỏng với hơn 100 nông dân ở 3 xã của huyện Tam Đường. Các bài tập mới được phát triển cho ba chủ đề được chọn. Khi tham gia các bài tập mô phỏng, nông dân có cơ hội chủ động phân tích các khía cạnh khác nhau của vấn đề, đặc biệt là những lợi ích, khó khăn, thách thức và điều kiện áp dụng các phương thức sản xuất nông nghiệp sinh thái. Trong các bài tập mô phỏng này, người chơi có thể trao đổi và thảo luận với nhau về vấn đề của họ mà không có sự xấu hổ hoặc do dự; đã có các cuộc cạnh tranh và tranh luận sôi nổi về các vấn đề. Thông qua các bài tập này, những người nông dân có thể phân tích các vấn đề và xác định các giải pháp để giải quyết những khó khăn của họ; từ đó họ sẽ có những quyết định với đầy đủ thông tin và sự chuẩn bị để có thể theo đuổi các phương pháp sản xuất thích hợp một cách bền vững.
Những người nông dân tham gia tích cực vào các phiên bài tập mô phỏng
Chị Lương Thị Dơi là một nông dân 30 tuổi từ một gia đình nghèo, sống với chồng và hai con. Gia đình chị hiện tại đang sử dụng phương pháp canh tác truyền thống, sản xuất chỉ đủ để nuôi sống gia đình và đôi khi họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong vòng 1 đến 2 tháng. “Tôi đã được giới thiệu phương pháp sản xuất mới làm tăng năng suất trong khi giảm đầu vào. Qua bài tập, tôi đã biết tính toán đầu tư hợp lý hơn. Tôi muốn tham gia vào nhóm tự quản của bản để học hỏi và chia sẻ kiến thức với những người khác, cùng nhau cải thiện thu nhập”, chị Dơi chia sẻ sau khi tham gia một bài tập mô phỏng.
Với các kết quả tích cực từ dự án này, CISDOMA đang có kế hoạch thúc đẩy việc áp dụng các bài tập mô phỏng cho các dự án hiện tại của CISDOMA và cho các đối tác khác của ALiSEA.
Để xem chi tiết, xin mời truy cập: