Lai Châu, ngày 17 tháng 3 năm 2016 – Hôm nay Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) và tổ chức Aide et Action Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tổ chức lễ Khởi động dự án ‘Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại Việt Nam.’ Dự án do Liên minh Châu Âu đồng tài trợ với tổng ngân sách là 531,698 ơ-rô (khoảng 13 tỷ đồng). Buổi lễ có sự tham dự của đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Sở Ngoại vụ tỉnh Lai Châu, Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường, các phòng ban liên quan tại huyện Tam Đường, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cùng các cơ quan truyền thông báo chí.
Dự án được thực hiện trong ba năm từ năm 2016 tới năm 2018, nhằm giúp trẻ em dân tộc thiểu số tại các khu vực khó khăn của tỉnh Lai Châu được tiếp cận với nền giáo dục mầm non và tiểu học có chất lượng và phù hợp, thông qua việc cải thiện và áp dụng phương pháp giảng dạy tiến bộ; tăng cường sự tham gia tích cực của phụ huynh trong quá trình nuôi dạy trẻ và cung cấp đầy đủ thông tin tới các nhà hoạch định chính sách về những mô hình tốt.
Ông Prasert Tepanart – Giám đốc Aide et Action, Vùng Đông Nam Á và Trung Quốc, cho biết: “Tám năm đầu đời là giai đoạn rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong tương lai. Chúng tôi rất vui mừng được Liên minh Châu Âu tài trợ thực hiện dự án này, đây là cơ hội để cải thiện giáo dục cho trẻ em tại Lai Châu – một trong những tỉnh xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng việc chứng tỏ tính hiệu quả của tài liệu bổ trợ bằng hai thứ tiếng – tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ nhằm cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số sẽ là một cơ hội đặc biệt, không chỉ cho cộng đồng hưởng lợi trực tiếp từ dự án mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho cả quốc gia.”
Là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Lai Châu, Tam Đường là nơi tập trung nhiều nhóm dân tộc thiểu số sinh sống như Dao, Thái và H’Mông. Ở ba xã Tả Lèng, Nùng Nàng và Khun Há – nơi thực hiện dự án, người H’Mông chiếm tới 90% dân số. Tại vùng dự án, trẻ em dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập vì ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt thay vì tiếng mẹ đẻ. Rào cản ngôn ngữ cùng với phương pháp giảng dạy hạn chế và điều kiện kinh tế gia đình khó khăn khiến các trẻ em dân tộc thiểu số không được học tập một cách tích cực và chủ động, điều này là một phần nguyên nhân dẫn tới kết quả học tập kém, các em bỏ học giữa chừng và mất đi nhiều cơ hội trong suốt cả cuộc đời.
Bà Daniela Forte – Phụ trách Chương trình Quản trị và Pháp quyền, Ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Hơn 15 năm qua, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, và đang hướng tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định rằng Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng giáo dục nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển và hội nhập quốc tế. Một trong những vấn đề cần giải quyết trước mắt là giảm thiểu khoảng cách trong việc tiếp cận giáo dục có chất lượng giữa các nhóm dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh, giữa các nhóm kinh tế xã hội và giữa các vùng miền khác nhau. Giáo dục mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho trẻ bước khởi đầu và đạt kết quả tốt trong trường học. Chúng tôi tin tưởng rằng phương pháp giáo dục hòa nhập, lấy trẻ làm trung tâm của dự án này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non và tiểu học cho trẻ em dân tộc thiểu số và cải thiện chất lượng giáo dục, bởi đó là nền tảng nhằm cải thiện cuộc sống của người dân và phát triển bền vững.”
Việc phát triển và đưa bộ tài liệu bổ trợ bằng hai thứ tiếng vào giảng dạy trong lớp học với những chủ đề như bình đẳng giới, kỹ năng sống, an toàn cá nhân, quyền trẻ em, văn hóa và phong tục của địa phương sẽ là một bước tiến quan trọng đảm bảo sự an toàn và thúc đẩy quyền của trẻ. Ông Đinh Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Dự án mong đợi sẽ giúp trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn được học tập bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ, thúc đẩy quá trình chuyển tiếp hiệu quả từ mầm non lên tiểu học, đồng thời tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm dân tộc thiểu số và bảo tồn văn hóa bản địa”.