KINH NGHIỆM TRIỂN KHAI GĐGR CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ QUỸ ĐẤT DO NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH BÀN GIAO VỀ ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 11 tháng 12 năm 2023, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận, sử dụng đất và rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số” tài trợ bởi Liên minh Châu Âu (EU) triển khai ở Lào Cai và Kon Tum từ năm 2020-2023, CISDOMA đã phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và các tổ chức đồng triển khai Dự án tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kinh nghiệm triển khai GĐGR cho đồng bào dân tộc thiểu số từ quỹ đất Nông trường, Lâm trường quốc doanh bàn giao cho địa phương”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của khoảng 100 đại biểu đến từ các Cơ quan, Ban ngành Trung Ương; cấp tỉnh, cấp huyện của hai tỉnh Kon Tum và Lào Cai; các đại diện đến từ các Nông, Lâm trường, đại diện hạt kiểm lâm các huyện; các đại biểu đến từ 8 xã và 20 cộng đồng nơi Dự án triển khai; đại biểu đến từ các đơn vị triển khai Dự án; đại biểu đến từ các tổ chức Phi chính phủ DAI, MRLG và đặc biệt là sự hiện diện của Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu cùng các giảng viên của Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam.

Hội thảo đã vinh dự được đón tiếp các đại biểu là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các cơ quan, ban ngành Trung Ương; lãnh đạo các Sở, Ban ngành từ tỉnh Lào Cai và Kon Tum đã tới dự: Ông Hứa Đức Nhị- Chủ tịch Hội Chủ Rừng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Ông Triệu Văn Bình- Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn Phòng Quốc Hội; bà Hoàng Thị Vân Anh- nguyên Vụ trưởng vụ đất đai- Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Bùi Quang Hưng- Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lào Cai, ông Nông Văn Ngọc- Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, ông Lại Đức Hiếu- Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, chi cục Kiểm lâm Kon Tum.

Ông Triệu Văn Bình- Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn Phòng Quốc Hội

Tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo, NGƯT.GS.TS Phạm Văn Điển- Hiệu trưởng nhà Trường đã khái quát lịch sử hình thành, vai trò của Nông, Lâm trường ở Việt Nam qua từng thời kỳ; Sự chuyển dịch trong tiếp cận khai thác đa giá trị của đất nông nghiệp một cách bền vững và nhấn mạnh sự cần thiết, tính thời sự của chuyên đề Hội thảo.

Phát biểu khai mạc NGƯT.GS.TS. Phạm Văn Điển- Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam

Với sự chủ trì của PGS.TS. Phùng Văn Khoa- Phó Hiệu trưởng Trường đại học Lâm Nghiệp Việt Nam và T.S Triệu Văn Bình- Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn Phòng Quốc Hội, Hội thảo đã được tổ chức thành công với sự trình bày và thảo luận về: 12 tham luận và bài phát biểu, 05 kiến nghị chính sách và 15 lượt ý kiến thảo luận, góp ý về các chủ đề liên quan đến chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy trình giao đất giao rừng cho cộng đồng; các bài học kinh nghiệm và kết quả giao đất giao rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở một số địa phương. Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các kết quả triển khai hoạt động của Dự án “Tăng cường tiếp cận, sử dụng đất và rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số” và các bài học kinh nghiệm, các kiến nghị chính sách đúc kết từ thực tiễn triển khai dự án tại tỉnh Kon Tum và Lào Cai đã được tổng kết và trình bày.

  Bà Trần Thị Thủy- BQL rừng cộng đồng thôn Nà Lộc- Khánh Yên Thượng- huyện Văn Bàn- Lào Cai

Sau Hội thảo, các ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia, đại diện địa phương, đại diện cộng đồng tham dự Hội thảo sẽ được Dự án tiếp thu: 1) Bổ sung, hoàn thiện Quy trình thí điểm Giao đất giao rừng có sự tham gia và lồng ghép giới mà Dự án đã xây dựng, tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng Quy trình này ở những địa bàn thích hợp; 2) Các kiến nghị chính sách về đất cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được thảo luận sẽ tiếp tục được các đơn vị triển khai Dự án phối hợp với các đối tác liên quan, thúc đẩy để được tiếp thu trong quá trình xây dựng Luật, chính sách liên quan đến đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở cả cấp Quốc gia và cấp tỉnh.