Trong những năm gần đây, bên cạnh các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội miền núi của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (PCP) Việt Nam, trong đó có Nhóm hợp tác phát triển (CDG), cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số giảm nghèo, thúc đẩy thực hiện dân chủ cơ sở, chăm sóc sức khỏe và bình đẳng giới. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo về vật chất và tinh thần ở khu vực miền núi so với miền xuôi vẫn là một khoảng cách khá xa, cần sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức PCP.

Để chia sẻ thành công, phương pháp tiếp cận và bài học kinh nghiệm trong hoạt động của các tổ chức phi chính phủ trong việc góp phần hỗ trợ cộng đồng giảm nghèo, thúc đẩy dân chủ cơ sở, chăm sóc sức khỏe và bình đẳng giới ở khu vực miền núi dân tộc thời gian qua và tìm kiếm cơ hội tài trợ cho các hoạt động này trong thời gian tới, với sự tài trợ của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Nhóm Hợp tác phát triển (CDG) phối hợp với Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi (CISDOMA) tổ chức Hội thảo “Các tổ chức PCP Việt Nam hoạt động giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy thực hành dân chủ cơ sở và bình đẳng giới miền núi – Thành công và bài học kinh nghiệm”.

55 đại biểu từ Vụ dân tộc, Văn phòng quốc hội, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển Nông thôn, Vụ tuyên truyền của Ủy ban Dân tộc, Trung tâm Nghiên cứu các tổ chức xã hội của Bộ Nội vụ, các tổ chức thành viên CDG và các tổ chức PCP khác và đại diện cộng đồng khu vực dự án của các NGO đã tham dự hội thảo.
CDG và CISDOMA tổ chức Hội thảo “Hoạt động của các NGO ở vùng miền núi phía Bắc – Thành công và bài học kinh nghiệm”

Hội thảo đã cùng nhau thảo luận về 3 vấn đề:
(i) Một số điểm tồn tại chung trong giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc như: đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ; cơ chế từ trên xuống, chưa có sự tham gia nhiều của người dân; lợi ích nhóm …
(ii) Các phương pháp tiếp cận đặc thù mà NGO đã sử dụng thành công để vượt qua những khó khăn trong quá trình giảm nghèo cho khu vực miền núi phía Bắc như Phương pháp dựa trên quyền; Phương pháp có sự tham gia, cùng làm việc, cùng học hỏi
(iii) Những vấn đề/ lỗ hổng mà cả các tổ chức PCP cũng như GOV cần phải hỗ trợ/can thiệp nhiều hơn như: Đầu tư quá nặng về hệ thống CSHT thiếu hỗ trợ kỹ thuật vốn, giống cây con; Thiếu đầu tư bảo vệ đất đai; Tái mù chữ; Hệ thống dịch vụ y tế chưa tốt dẫn đến tái nghèo; Năng lực cán bộ cơ sở bất cập…

Chia sẻ với Hội thảo, ông Ngô Thế Hiên (phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Phát triển Nông thôn) cho rằng: “Thời gian qua, các tổ chức PCP Việt Nam đã có những cách làm hay góp phần giảm nghèo khu vực miền núi và có cả những ý kiến đống góp tốt cho chính sách giảm nghèo của Chính phủ”. Ông cũng ủng hộ ý kiến cho rằng không nên phân biệt các tổ chức PCP mà cần tìm cách tạo nên sân chơi bình đẳng giữa các tổ chức sẽ tham gia vào các dự án Nhà nước để giảm nghèo, tuy nhiên cần có cách tiếp cận tốt hơn với nguồn lực này.

Thông qua hội thảo, các nghiên cứu, ý kiến đóng góp, chia sẻ của các quý vị đại biểu đã cho thấy trong công tác giảm nghèo khu vực miền núi, ngoài những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi sự tham gia của Nhà nước, các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ một cách hiệu quả hơn./.
T.H