Viết tin: NGUYỄN THỊ THANH NHÃ

Với sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ Liên minh Vận động chính sách do Bộ Phát triển Vương quốc Anh (DFID) tài trợ, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ các Liên minh Lồng ghép giới trong Vận động chính sách”, ngày 13/8/2015 tại Hà Nội, Viện Tư vấn PT KT XH nông thôn và miền núi (CISDOMA) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) và Oxfam tổ chức hội thảo “Lồng ghép Giới trong Vận động chính sách và vai trò của người lãnh đạo”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của 44 đại biểu đến từ các tổ chức thành viên của 6 liên minh, trong đó bao gồm các chuyên gia về Giới, các đại biểu đến từ các tổ chức phi chính phủ khác ngoài liên minh.

Bà Lâm Thị Thu Sửu – Giám đốc CSRD đã trình bày kết quả rà soát, đánh giá công tác LGG trong tài liệu và các hoạt động của sáu Liên minh. Lãnh đạo các tổ chức iSEE, CGFED, CECR đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tế về LGG của tổ chức mình. Bà Wendy Conway Lamb, Đại sứ quán Úc cũng đã trình bày một số gợi ý “Nên” và “Không nên” về LGG trong VĐCS cũng như một số ví dụ về các thông điệp VĐCS có nhạy cảm giới để các đại biểu tham khảo.

Chuyên gia Dương Thanh Mai đến từ Bộ Tư pháp chia sẻ rằng, đến năm 2015 quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được đưa vào tất cả các khâu trong xây dựng VBQPPL. Trong VĐCS, cần tác động càng sớm càng tốt, do đó nên tác động vào khâu đầu tiên (cơ quan đề xuất), trường hợp có nhiều cơ quan không quan tâm đến vấn đề giới thì vẫn phải tiếp tục tác động đến các khâu sau, đặc biệt là khẩu thẩm tra của Quốc hội.

Còn bà Phạm Thị Hiền- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng ‘VĐCS có nhạy cảm giới là quá trình vận động mà sự khác biệt về giới được cân nhắc và xem xét trong suốt tiến trình VĐCS” và“Để LGG trong VĐCS hiệu quả thì việc xác định vấn đề vận động và phân tích giới là khâu quan trọng và cần có sự kết hợp giữa các chuyên gia về giới và người làm lĩnh vực chuyên môn”.

Nói về vai trò của người lãnh đạo trong vấn đề LGG, các đại biểu đã thảo luận rất sôi nổi, các ý kiến khá là đa dạng nhưng đều khẳng định để LGG hiệu quả thì vai trò của lãnh đạo rất quan trọng, người lãnh đạo phải là người khởi xướng và điều hành, với bất cứ công việc gì, chỉ cần người lãnh đạo nhận thức, thấu hiểu và quyết tâm thực hiện thì tổ chức sẽ thực hiện tốt. “Người lãnh đạo không cần phải là giám đốc tổ chức hay điều phối viên, đặc biệt là trong công cuộc bình đẳng giới, mỗi cá nhân đều có thể là người lãnh đạo”, ông Trương Quốc Cần – Viện trưởng CISDOMA kết luận.