Ruộng lúa, đụn rơm từ lâu đã trở thành những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với đời sống ở những vùng nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều bà con nông dân vẫn đốt bỏ rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, vì cho rằng nhanh gọn, đỡ mất công, tiêu diệt được một số mầm bệnh dịch và thu được tro rơm bón lúa vụ sau mà không lường trước được hành động này không những gây ô nhiễm không khí mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gia tăng các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp… Theo một nghiên cứu của Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội năm 2018, hàng năm trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng trăm nghìn tấn rơm rạ bị đốt bỏ sau khi thu hoạch như Đông Anh là 20.990 tấn, Đan Phượng là 10.471 tấn v.v…
Nhận thấy tính cấp bách của việc cần mang đến cho bà con 1 giải pháp để xử lý rơm, rạ một cách hiệu quả, bền vững, góp phần làm giảm việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, qua đó làm giảm ô nhiễm không khí cho Thành phố Hà Nội, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn) và Hội Nông dân huyện Đan Phượng triển khai hoạt động thực hiện giải pháp giảm đốt rơm rạ. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Không khí sạch – Thành phố xanh” do Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án được thực hiện tại 9 xã của huyện Đan Phượng bao gồm: Liên Hồng, Tân Lập, Hạ Mỗ, Thọ Xuân, Thọ An, Phương Đình, Hồng Hà, Liên Hà, Thượng Mỗ và xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội trong khoảng thời gian từ 9/2018-7/2019, bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Áp dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia, CISDOMA đã thực hiện khảo sát tìm hiểu tình hình, tham vấn với chính quyền, tổ chức đối tác tại địa phương, người dân, qua đó xác định giải pháp phù hợp để giảm đốt rơm rạ sau thu hoạch tại địa phương là sử dụng chế phẩm vi sinh ủ rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón. Có thể nói, dự án đã được triển khai một cách toàn diện, sâu rộng từ hoạt động truyền thông, đến tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ chế phẩm sinh học cho bà con.
Trong gần một năm, dự án đã thực hiện được 12 cuộc truyền thông trực tiếp tại ở 1 xã tại huyện Đông Anh và 9 xã tại huyện Đan Phượng với 582 người dân tham dự. Ngoài ra, dự án còn thực hiện 9 đợt truyền thông qua loa phát thanh tại 9 xã của huyện Đan Phượng, tiếp cận hơn 100,000 người
Kết hợp cùng các hoạt động truyền thông, dự án cũng tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân. Tại các lớp tập huấn, bà con đã được giới thiệu quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm Fito-Biomix RR xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân hữu cơ. Bà con nông dân có thể sử dụng chế phẩm này xử lý rơm rạ tại ngay tại ruộng (đối với ruộng có đủ nước) hoặc xử lý ủ rơm sau khi đã vun thành đống (phù hợp khi ruộng khô). Hai quy trình kỹ thuật dễ thực hiện có thể làm ngay tại ruộng của hộ gia đình.
Nhằm củng cố kiến thức và để bà con nắm rõ quy trình, cách thực hiện, sau khi được giới thiệu về quy trình kỹ thuật xử lý rơm rạ, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn trực tiếp và thực hiện thí điểm 02 quy trình kỹ thuật xử lý rơm rạ trên chính những cánh đồng của nông dân các xã thuộc dự án. Không chỉ có vậy, bà con còn rất phấn khởi vì được hỗ trợ các chế phẩm sinh học phục vụ thiết thực cho việc xử lý rơm rạ ở địa phương.
Kết thúc dự án, 2383 hộ thuộc 9 xã của huyện Đan Phượng đã đăng ký và ký cam kết không đốt rơm rạ. Tổng diện tích đăng ký là 364 ha. Dự án đã cấp 2016 kg chế phẩm ủ rơm rạ. Các xã đã xử lý 335 ha. Việc đưa chế phẩm sinh học vào xử lý rơm, rạ đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con, không chỉ giúp cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần làm sạch không khí. Ngoài ra còn khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ mùa sau cấy, hứa hẹn một mùa màng bội thu, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con nông dân./.