Lai Châu, ngày 9 tháng 12 năm 2016 – Viện tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) cùng đối tác Tổ chức Aide et Action Việt Nam (AEA) lần đầu tiên cho ra mắt bộ tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số (5 đến 8 tuổi) tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Giáo Dục Song Ngữ dựa trên Tiếng Mẹ Đẻ là cách tiếp cận sử dụng tiếng mẹ đẻ (tiếng Mông) làm ngôn ngữ giảng dạy song song cùng với tiếng Việt. Bộ tài liệu bao gồm 5 chủ đề: Bình đẳng giới, Kỹ năng sống, Phòng chống thiên tai, Quyền trẻ em, Văn hóa và phong tục địa phương sẽ được lồng ghép vào các hoạt động giáo dục bổ trợ ngoại khóa trong nhà trường. Xây dựng bộ tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ là một trong những hoạt động quan trọng của dự án Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại Lai Châu, Việt Nam được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, nhằm giúp đỡ trẻ em dân tộc thiểu số vượt qua rào cản ngôn ngữ, tạo điều kiện cho trẻ em đọc và viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình để bảo tồn văn hóa đồng thời nâng cao khả năng học tiếng Việt.
Buổi hội thảo ra mắt có sự tham gia của đại diện của Uỷ ban Nhân dân huyện Tam Đường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Đường và một số Phòng/Ban khác tại huyện, và cơ quan truyền thông báo chí.
“Phương pháp Giáo dục Song ngữ Dựa trên Tiếng Mẹ Đẻ đã được quốc tế chứng minh là một công cụ hiệu quả nhằm hỗ trợ giáo dục sớm cho trẻ em dân tộc thiểu số. Phương pháp giáo dục song ngữ này được biết đến rộng rãi như một phương pháp làm tăng cường khả năng tiếp cận bình đẳng về giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số – trong số đó có nhiều trẻ không được tới trường hoặc phải bỏ học. Thúc đẩy giáo dục song ngữ sẽ giúp cải thiện khả năng hội nhập xã hội của các dân tộc thiểu số cũng như bảo tồn và duy trì văn hóa và bản sắc truyền thống của họ. Tôi rất vui mừng được biết rằng việc giới thiệu và áp dụng phương pháp giáo dục song ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số đang được nỗ lực thực hiện ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, trong khuôn khổ dự án do Liên Minh Châu Âu tài trợ,” – Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam, ngài Bruno Angelet phát biểu.
Rào cản ngôn ngữ vốn là một bất lợi lớn cho trẻ em dân tộc trong việc học tập và giao tiếp xã hội, làm hạn chế kết quả học tập, tỷ lệ học sinh bỏ học cao, hạn chế cơ hội học hỏi kiến thức và các kỹ năng sống, từ đó hạn chế cơ hội phát triển của trẻ. Tiếng Việt được quy định là ngôn ngữ chính thức giảng dạy tại trường học và điều này đã tạo ra những rào cản ngôn ngữ khiến nhiều trẻ em dân tộc thiểu số rụt rè trong học tập sinh hoạt tại trường và thụt lùi so với trẻ em dân tộc Kinh. Kết quả cho thấy tỷ lệ hoàn thành tiểu học của trẻ em dân tộc thiểu số thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ này của học sinh dân tộc Kinh.
“Việc phát triển các tài liệu giáo dục song ngữ là một thách thức lớn, do không có nhiều các chuyên gia vừa có chuyên môn cao về lĩnh vực này lại vừa hiểu biết về địa phương. Ngoài ra, việc sản xuất các tài liệu chất lượng để minh họa và phản ánh văn hóa bản địa cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia, giáo viên và cộng đồng địa phương; 5 bộ tài liệu bằng cả hai thứ tiếng Mông và tiếng Việt, đã được hoàn thành với chất lượng tốt. Tôi thực sự hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để việc triển khai và thực hiện các tài liệu sẽ được lồng ghép vào các chương trình giảng dạy chính thức một cách sớm nhất,” Ông Eric Ouannes, Tổng Giám đốc Aide et Action Quốc tế cho biết.
Tập tài liệu này gồm 55 câu chuyện ngắn đã được giáo viên địa phương của các trường mầm non và trường tiểu học ở huyện Tam Đường sáng tác và biên soạn, sau đó được dịch sang ngôn ngữ Mông bởi chuyên gia địa phương. Những câu chuyện thực sự phản ánh được cuộc sống hàng ngày của trẻ em Mông và cộng đồng người Mông tại Lai Châu. “Trong bối cảnh trên 90% học sinh địa phương là người dân tộc thiểu số, trong đó đa phần là người dân tộc Mông, việc xây dựng bộ Tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ cho các em học sinh trong độ tuổi từ 5-8 tuổi là một hoạt động dự án rất có ý nghĩa. Bộ tài liệu không chỉ giúp các em nâng cao khả năng sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Việt) mà còn cải thiện các kiến thức và kỹ năng sống khác. Bên cạnh đó, bộ Tài liệu này cũng sẽ góp phần giúp các em vun đắp, giữ gìn, và phát huy các bản sắc văn hóa và chữ viết của dân tộc mình. Chúng tôi đánh giá cao cách thức mà Dự án đã tiến hành thực hiện bộ Tài liệu này thông qua việc kết hợp một cách hài hòa giữa các chuyên gia giáo dục hàn lâm với việc huy động và sử dụng tối đa sự tham gia của cộng đồng và các trí thức bản địa,” Bà Tẩn Mý Khé, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Lai Châu cho biết.