DỰ ÁN

Tăng cường khả năng chống chịu cho các nhóm hộ nghèo thông qua các loại hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu 

THÔNG TIN TUYỂN DỤNG

THỰC TẬP SINH

Thông tin chung

Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế-Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) là một Tổ chức Khoa học-Công nghệ ngoài công lập trực thuộc Hội Nghiên cứu Đông Nam Á-Việt Nam từ năm 2000. Với sự hỗ trợ của tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BftW) và tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam, Viện CISDOMA đang phối hợp với các đối tác địa phương triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu cho các nhóm hộ nghèo thông qua các loại hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu” tại 06 xã thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.  Dự án hướng đến mục tiêu cải thiện lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho các hộ gia đình người dân tộc thiểu số thông qua áp dụng các giải pháp nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng, và tiết kiệm tự quản theo nhóm (Thông tin về Viện CISDOMA và Dự án xem ở phụ lục).

Để hỗ trợ triển khai các hoạt động chia sẻ, học hỏi giữa các bên liên quan, tổ nhóm nông dân tham gia Dự án, Viện CISDOMA cần tuyển dụng vị trí thực tập sinh với các thông tin như sau:

Nơi làm việc

Văn phòng Viện CISDOMA (quận Ba Đình, Hà Nội) và đi công tác tại địa bàn dự án (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)

Thời gian

06 tháng (bắt đầu từ ngày 01/4/2023)

Nhiệm vụ chính:

  •   Tham gia xây dựng và quản trị fanpage của dự án.
  •  Tham gia viết tin bài, chụp ảnh trong các hoạt động dự án tại địa bàn dự án.
  • Hỗ trợ công tác tổ chức các hoạt động dự án tại địa bàn dự án.
  • Hỗ trợ công tác cập nhật thông tin hoạt động dự án.
  • Và hỗ trợ một số công việc khác liên quan tới dự án.

Quyền lợi:

  • Thực tập sinh được nhận khoản hỗ trợ định kỳ hàng tháng.
  •  Thực tập sinh được làm việc tại Văn phòng Viện CISDOMA.
  • Thực tập sinh khi tham gia các hoạt động tại địa bàn dự án được chi trả các chi phí đi lại, phòng ở, công tác phí.
  •  Thực tập sinh được học hỏi trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp và cởi mở.
  • Được Viện CISDOMA xác nhận kết quả thực tập khi kết thúc thời gian thực tập.  

Quản lý công việc

Thực tập sinh sẽ trao đổi công việc cùng Quản lý dự án và Cán bộ dự án.

Yêu cầu chuyên môn, năng lực, thái độ:

  •    Sinh viên học năm cuối với các chuyên ngành báo chí, nông lâm nghiệp, công tác xã hội, phát triển cộng đồng
  •  Có kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh
  •  Có kỹ năng sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo)
  •  Có kinh nghiệp lập và quản trị fanpage
  •  Có tinh thần trách nhiệm với công việc
  •  Có thể sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động tại địa bàn dự án
  •  Ưa thích với công việc hỗ trợ cộng đồng nông dân và người dân tộc thiểu số

 Liên hệ:

Các sinh viên đáp ứng yêu cầu và quan tâm đến vị trí tuyển dụng vui lòng gửi thư bày tỏ, CV, kèm bản chụp thẻ sinh viên và các chứng chỉ liên quan qua email thuong.vt@cisdoma.org.vn .

Viện CISDOMA sẽ liên hệ phỏng vấn với các bạn sinh viên được lựa chọn.

Cần biết thêm thông tin tuyển dụng vui lòng liên hệ với Anh Vũ Thế Thường – Quản lý dự án theo số điện thoại: 0912066330.

Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi
Địa chỉ: Nhà 24, K80C, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: + (84) 024 37843678 / + (84) 024 37843681
Email: cisdoma@gmail.com Website: http://www.cisdoma.org.vn/


VIỆN TƯ VẤN PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI
NÔNG THÔN VÀ MIỀN NÚI

Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế-Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) là một Tổ chức Khoa học-Công nghệ ngoài công lập được thành lập theo QĐ số 25/QĐ-TW ngày 22/5/2000 của Hội Nghiên cứu Đông Nam Á-Việt Nam, giấy phép hoạt động số A135 do Bộ Khoa học Công nghệ cấp lại ngày 04/11/2015.

Viện CISDOMA đã và đang thực hiện những dự án can thiệp ở cấp cơ sở, nghiên cứu, góp ý chính sách liên quan đến các chủ đề:

  • Sinh kế bền vững và tiếp cận thị trường cho nông dân quy mô nhỏ;
  • Quản trị bền vững tài nguyên thiên nhiên và quản trị đất đai;
  • Bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ;
  • Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;

Từ năm 2016 đến nay, Viện CISDOMA đã và đang triển khai 16 dự án phát triển với các chủ đề trên tại các vùng nông thôn, miền núi, hỗ trợ hàng ngàn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Sóc Trăng.

Gần đây, Viện CISDOMA đã thực hiện các nghiên cứu về các chủ đề: thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái; tích tụ và tập trung đất nông nghiệp và quyền của nông dân sản xuất nhỏ; rà soát đánh giá và đề xuất chính sách đất đai; tác động của biến đổi khí hậu tới vấn đề di cư …

Viện CISDOMA đã và đang tích cực tham gia vào quá trình đóng góp xây dựng và sửa đổi các chính sách có liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Tham vấn, rà soát và đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng Luật Lâm nghiệp 2017 và các nghị định hướng dẫn; Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025;  Rà soát các văn bản, chính sách và đóng góp ý kiến cho quá trình đánh giá việc thực thi Luật Đất đai 2013; Đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi Luật Đất đai 2013 và xây dựng nghị định hướng dẫn với nội dung tập trung và tích tụ đất nông nghiệp.

Viện CISDOMA đã  hợp tác với các nhà xuất bản (NXB Thông tin&Truyền thông, NXB Phụ nữ…) biên soạn và xuất bản các tài liệu hướng dẫn, tài liệu truyền thông cộng đồng về chủ đề phát triển sinh tế nông nghiệp quy mô hộ gia đình; bình đẳng nam nữ trong quản lý và sử dụng đất; phòng ngừa rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Viện CISDOMA hiện là thành viên tích cực của Liên minh Nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á (ELiSEA), Liên minh Nông nghiệp (AgriCo), Mạng lưới Đất rừng (FORLAND), Liên minh đất đai (LANDA).

Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi
Địa chỉ: Nhà 24, K80C, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: + (84) 024 37843678 / + (84) 024 37843681
Email: cisdoma@gmail.com Website: http://www.cisdoma.org.vn/


TÓM TẮT DỰ ÁN

Tăng cường khả năng chống chịu cho các nhóm hộ nghèo thông qua các loại hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu 

 Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước Đức và nước Úc. Dự án đã được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt triển khai theo quyết định 1644/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2022. Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế – Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) phối hợp cùng UBND huyện Tam Đường triển khai Dự án từ năm 2022 đến năm 2025 trên địa bàn 06 xã gồm Bình Lư, Khun Há, Bản Bo, Hồ Thầu, Giang Ma, Bản Giang.

  1. Mục tiêu 1: Cải thiện lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho các hộ gia đình DTTS thông qua việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng, và VSLA;

* Hoạt động cụ thể:

1.1. Phân tích toàn diện về thực trạng và tiềm năng của quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái trong khu vực mục tiêu bằng cách sử dụng Công cụ đánh giá hiệu suất nông học (TAPE) với sự tham gia của người dân và các bên liên quan.

1.2. Tập huấn các kỹ năng liên quan đến hình thành nhóm cho trưởng, phó nhóm của 40 nhóm nông dân đã được hình thành với chủ đề nhóm nông nghiệp sinh thái, nhóm tiết kiệm tự quản thôn bản (VSLA), nhóm du lịch cộng đồng.

1.3. Thúc đẩy thành lập và duy trì 40 nhóm nông dân với các chủ đề nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tự quản thôn bản (VSLA), du lịch cộng đồng. Thông qua các nhóm này, dự án sẽ cung cấp thông tin kỹ thuật và tư vấn để tạo điều kiện cho các thành viên phân tích và lập kế hoạch các phương án sản xuất kinh doanh, kỹ thuật canh tác theo hướng nông nghiệp sinh thái và tạo điều kiện chia sẻ của nông dân thông qua các cuộc họp hàng tháng của các nhóm.

1.4. Biên soạn các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho các kỹ thuật/giải pháp nông nghiệp sinh thái.

1.5. Tổ chức 6 lớp tập huấn về các chủ đề liên quan đến nông nghiệp sinh thái cho 30 người (bao gồm cán bộ cấp huyện, cấp xã và đại diện của các nhóm nông dân).

1.6. Thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường các sản phẩm của người dân. Gồm các cuộc khảo sát thị trường, trao đổi/tham quan thực địa, tham dự triển lãm thương mại/hội chợ, hội thảo, đăng ký thương hiệu, ghi nhãn mác, chứng nhận sản phẩm, quảng cáo sản phẩm.

  1. Mục tiêu 2: Các kỹ thuật/giải pháp nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng, VSLA do dự án triển khai được chính quyền địa phương ghi nhận và các sản phẩm nông nghiệp sinh thái được kết nối với thị trường.

* Các hoạt động cụ thể

2.1. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các kỹ thuật/giải pháp nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng, VSLA (hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính).

2.2. Thúc đẩy việc sử dụng Công nghệ thông tin (CNTT) để hỗ trợ sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

2.3. Thúc đẩy chia sẻ và học hỏi về các giải pháp, kỹ thuật nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng, VSLA, bao gồm các hội thảo thường niên ở cấp huyện, các hội thảo tại thực địa.  

2.4. Các cuộc họp kỹ thuật với các cơ quan chức năng cấp huyện và tỉnh để thúc đẩy lồng ghép các hoạt động của dự án vào kế hoạch PTKTXH của địa phương.

2.5. Tài liệu hóa các kỹ thuật/giải pháp áp dụng thành công với sự tham gia của người dân và cán bộ địa phương.

  1. Giám sát đánh giá và phát triển năng lực

* Hoạt động cụ thể:

 3.1. Thực hiện các hoạt động giám sát thường xuyên và các cuộc họp định kỳ giữa các bên liên quan.

3.2. Tiến hành phân tích kết quả áp dụng các kỹ thuật/giải pháp nông nghiệp sinh thái bằng cách sử dụng công cụ đánh giá hiệu suất nông học (TAPE) với sự tham gia của người dân và cán bộ địa phương.

3.3. Tiến hành đánh giá cuối kỳ dự án bởi tư vấn độc lập.