DỰ ÁN 

“Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền  bình đẳng  

về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam” 

 ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU 

Tuyển chuyên gia xây dựng tài liệu về mô hình truyền thông,  

tư vấn pháp luật đất đai cho phụ nữ dân tộc thiểu số  (Mã 2.4.1) 

  1. Thông tin chung

Dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” được tài trợ bởi CHLB Đức, triển khai ở huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình và huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 10 năm 2022. Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Quế Phong và huyện Mai Châu thông qua việc nâng cao nhận thức pháp luật và hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí được cải thiện. Dự án do Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế-Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) phối hợp thực hiện cùng với các đơn vị đối tác gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An, UBND huyện Mai Châu và UBND huyện Quế Phong. (Chi tiết xem tóm tắt dự án và kết quả dự án ở phần Phụ lục) 

Theo kế hoạch, dự án sẽ chuyên gia xây dựng tài liệu giới thiệu về mô hình truyền thông, tư vấn pháp luật đất đai cho phụ nữ dân tộc thiểu số với thông tin cụ thể như sau:

2. Mục đích

Tài liệu được biên soạn nhằm mục đích giới thiệu mô hình tới các cơ quan chức năng địa phương (Sở Tài nguyên&Môi trường, Trung tâm trợ giúp viên pháp lý nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) để các đơn vị chức năng tham khảo và áp dụng trong các hoạt động truyền thông, tư vấn pháp luật của đơn vị mình. 

3. Dự kiến nội dung tài liệu

Tài liệu gồm 3 phần: 

+ Phần 1. Giới thiệu mô hình mô hình truyền thông, tư vấn pháp luật đất đai cho phụ nữ dân tộc thiểu số  

Phần 2. Những câu chuyện về vướng mắc của phụ nữ DTTS liên quan đến quyền sử dụng đất (như cấp mới, cấp đổi sổ đỏ; sang tên sổ đỏ do thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tranh chấp đất đai; vi phạm pháp luật đất đai).  

+ Phần 3. Khuyến nghị nhằm nhân rộng mô hình truyền thông, tư vấn pháp luật đất đai cho phụ nữ dân tộc thiểu số 

4. Nhiệm vụ của chuyên gia và mốc thời gian thực hiện

STT 

Nhiệm vụ  

Thời gian  

1 

Nghiên cứu các tài liệu, báo cáo có liên quan 

Tháng 6/2022 

1 

Xây dựng Đề cương nội dung tài liệu để cùng thống nhất  

Tháng 6/2022 

2 

Xây dựng Dự thảo tài liệu để cùng thống nhất (bao gồm khuyến nghị nhân rộng mô hình) 

Tháng 7/2022 

3 

Hoàn thiện tài liệu  

Tháng 7/2022 

4 

Góp ý cho bản thiết kế tài liệu và bản thiết kế khuyến nghị nhân rộng trước khi xuất bản 

Tháng 8/2022 

5. Yêu cầu với chuyên gia

  1. Có bằng sau Đại học (Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ) về các lĩnh vực chuyên môn có liên quan (luật dân sự, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên, báo chí truyền thông). 
  1. Có hiểu biết về quy định pháp luật đất đai đặc biệt liên quan đến bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất; 
  1. Có kinh nghiệm truyền thông, vận động chính sách; 
  1. Có kinh nghiệm xây dựng các tài liệu hóa; 
  1. Có kinh nghiệm làm việc với các tổ chức phi chính phủ.    

6. Địa chỉ liên hệ

Cá nhân có quan tâm gửi Thư bày tỏ quan tâm và CV cập nhật theo địa chỉ email: thuong.vt@cisdoma.com.vn . Hạn cuối nhận hồ sơ 5 p.m ngày 15 tháng 6 năm 2022. 

 CISDOMA sẽ liên hệ ứng viên đáp ứng được yêu cầu hoạt động. 

Phụ lục 

Dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam” 

  1. Thông tin chung về dự án 

Thời gian thực hiện: 3 năm, từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 10 năm 2022 

Mục tiêu chung của dự án: Quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An và huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình được đảm bảo khi có nhận thức pháp luật đầy đủ và hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí được tăng cường. 

Để đạt được mục tiêu này, dự án sẽ nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ trong quyền sử dụng đất, kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật cho đội ngũ cán bộ chức năng cấp huyện, cấp xã, trên cơ sở đó đội ngũ cán bộ chức năng này sẽ triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn cho người dân, đặc biệt là người phụ nữ dân tộc thiểu số ở các địa phương. 

Địa điểm thực hiện dự án:13 xã thuộc huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An và  6 xã thuộc huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình. 

Nhà tài trợ: Tổ chức INKOTA – CHLB Đức 

Đơn vị chủ trì: Viện CISDOMA 

Đơn vị phối hợp 

  • Tại Tỉnh Hòa Bình: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Mai Châu 
  • Tại tỉnh Nghệ An:Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An và UBND huyện Quế Phong. 
  1. Kết quả một số hoạt động dự án đã triển khai từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2022

2.1. Năng lực của cán bộ chức năng địa phương được nâng cao  

  • 52 cán bộ đến từ các đơn vị chức năng của 5 tỉnh (nòng cốt là Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) đã được tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật đất đai. 
  • 91 cán bộ cấp huyện và cấp xã có chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tham mưu trong công tác quản lý đất đai của 2 huyện và 19 xã dự án đã được tập huấn về các quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất và kỹ năng truyền thông trực tiếp về các quy định pháp luật đất đai. 
  • Các lớp tập huấn đã sử dụng đa dạng các phương pháp, cách tiếp cận theo hướng có sự tham gia như: thảo luận nhóm; động não; trò chơi sư phạm; trực quan hóa và thực hành đã giúp các cán bộ chức năng áp dụng được các kiến thức, kỹ năng đã được học vào thực tế công việc của mình tại địa phương.  
  • 5 cán bộ cấp tỉnh, 6 cán bộ cấp huyện, 38 cán bộ cấp xã đã thực hiện việc truyền thông, tư vấn cho người dân đang có vướng mắc liên quan đến đất đai (do dự án tổ chức). 

2.2. Tài liệu truyền thông các quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất được xây dựng và sử dụng 

  • Dự án đã phối hợp với các chuyên gia xây dựng và in ấn tài liệu truyền thông bằng tiếng phổ thông và tiếng H’Mông về quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất (3.450 cuốn). Tài liệu in đã được phân phát cho người dân trong các sự kiện truyền thông tại thôn bản. Tài liệu đã được chuyển sang định dạng âm thanh gồm tiếng phổ thông, tiếng Thái và tiếng H’Mông. Tài liệu định dạng file âm thanh được chia sẻ trên mạng xã hội và chuyển cho cán bộ chức năng địa phương sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở.  
  • Bộ video clip tiểu phẩm truyền thông quy định pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất, quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất đã được các cán bộ chức năng địa phương xây dựng. Bộ video clip được sử dụng trong các sự kiện truyền thông tại thôn bản và chia sẻ trên trên fanpage của dự án với hơn 4.000 lượt người xem. 

2.3. Người dân, Phụ nữ DTTS  có nhận thức tốt hơn về các quy định bình đẳng nam  nữ về quyền sử dụng đất  

  • 76 sự kiện truyền thông về quy định pháp luật đất đai đã được tổ chức tại 76 thôn bản thuộc 19 xã của 2 huyện dự án với sự tham gia của 3.579 người dân (trong đó 81,5% là phụ nữ DTTS). Người dân, phụ nữ DTTS tham gia sự kiện truyền thông đã hiểu rõ những quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất.  
  • Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Phòng Tư pháp, Phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ địa chính xã đã tham gia thực hiện việc truyền thông các quy định pháp luật về đất đai cho người dân ở các thôn xóm. Cách thức truyền thông được thực hiện theo cách đơn giản hóa các nội dung và có tương tác thông qua trò chơi hỏi đáp, bài tập tình huống, đoạn video clip. Một bộ câu hỏi và các phương án trả lời với chủ đề bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng thể hiện trong các văn bản pháp luật được lồng ghép qua các tình huống cụ thể trong đời sống. Người dân tham gia trả lời câu hỏi, chia sẻ, các cán bộ truyền thông và cán bộ chức năng địa phương bổ sung, cung cấp thêm các thông tin. 

2.4. Người dân, phụ nữ DTTS có vướng mắc liên quan đến QSD đất đã biết được hướng giải quyết  

  • 469 người dân (trong đó 51,4% là phụ nữ DTTS ) có vướng mắc liên quan đến đất đai của gia đình, của cộng đồng đã được tư vấn các thức giải quyết bởi cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và cán bộ chức năng địa phương. Các vướng mắc của người dân xoay quanh các nội dung như: cấp mới, cấp đổi sổ đỏ; sang tên sổ đỏ khi được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tranh chấp đất đai.  
  • Trong đó có 53 trường hợp người dân đang có vướng mắc về tranh chấp đất đai đã được tư vấn. Các dạng tranh chấp được tư vấn như: tranh chấp mốc giới, sử dụng thửa đất mà sổ đỏ tên người khác, lấn chiếm ranh giới giữa các thửa đất, tranh chấp quyền thừa kế là QSD đất, tranh chấp khi phân chia chia QSD đất sau ly hôn. 
  • Về hình thức tư vấn trực tiếp tại nhà văn hóa của thôn xóm và tại nhà người dân  

2.5. Hoạt động dự án được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội 

  • Hoạt động dự án đã được chia sẻ trên Tạp chí Tài Nguyên & Môi trường, Website của Bộ Tài Nguyên & Môi trường, Báo điện tử Dân Sinh, Báo Hòa Bình… 
  • Dự án xây dựng và duy trì fanpage “Phụ nữ và Đất đai”. Đây là diễn đàn để các cá nhân chia sẻ các thông tin, bài viết, câu chuyện liên quan đến phụ nữ và quyền sử dụng đất, những hỏi-đáp pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất, cũng như những mô hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả do phụ nữ khởi xướng tại các địa phương. Hiện nay đã có 263 thành viên tham gia fanpage. Không chỉ chia sẻ các hoạt động các tài liệu truyền thông của dự án mà các thông tin hoạt động, câu chuyện cộng đồng cũng đã được các cán bộ địa phương chia sẻ tại fanpage này. Chi tiết tại https://www.facebook.com/groups/664576564344037