ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Chuyên gia tham gia Hội thảo

Tiêu đề: Giao đất, giao rừng cho cộng đồng: Khó khăn và giải pháp

  • Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số”

I. Bối cảnh

 Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” do Liên minh Châu Âu tài trợ và được đồng thực hiện bởi các tổ chức Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA), Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao (CEGORN), Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và Oxfam tại Việt Nam trên địa bàn 2 tỉnh Lào Cai và Kon Tum trong giai đoạn từ 2020- 2023.

Dự án được thực hiện trên bối cảnh Đảng, Quốc Hội, và Nhà nước ban hành một số chính sách về đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước và chuyển giao một phần rừng, đất rừng về địa phương quản lý với định hướng góp phần giải quyết các tồn tại, vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo ổn định xã hội và thực hiện tốt việc đổi mới quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật. Các chính sách nổi bật bao gồm Nghị quyết 30/NQ-TW của Đảng Cộng sản ban hành ngày 12 tháng 3 năm 2014 (Nghị quyết 30), Nghị quyết 112/NQ-QH của Quốc hội ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015 (Nghị quyết 112) và Nghị định 118/2014/ND-CP của Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 12 năm 2014 (Nghị định 118) và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành khác. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình tái phân bổ đất đai có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp thường không có lộ trình rõ ràng và thiếu sự tham gia của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình giao đất và rừng này thường cũng không tính đến các khu vực đất có thể quản lý, sử dụng theo phong tục, tập quán của cộng đồng địa phương. Vì thế, tính đến cuối năm 2018, 85% trong tổng số số 402.612 ha đất dự kiến được giao lại cho địa phương vẫn đang do các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý[1].

Bên cạnh đó , mặc dù đã có nhiều địa phương và dự án thực hiện thí điểm giao đất, giao rừng cho cộng đồng nhưng chưa theo một quy trình có tính thống nhất, cập nhật và tuân thủ theo các quy định hiện hành của Luật đất đai, Luật Lâm nghiệp và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan; đặc biệt là các yêu cầu về sự tham gia của người dân và tiếp cận trên cơ sở bình đẳng giới; và đồng thời cũng chưa đề cập đầy đủ những định hướng giải pháp cho các vấn đề cụ thể của từng địa phương. Thêm vào đó, một số quy định hoặc thuật ngữ được sử dụng giữa các Luật và các văn bản quy định/ hướng dẫn có liên quan còn chưa tương thích nên gây ra những khó khăn trong  quá trình triển khai giao đất gắn với giao rừng trong thực tế.

Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” do Liên minh Châu Âu tài trợ và được đồng thực hiện bởi các tổ chức CISDOMA, CEGORN, CRD và Oxfam trên địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Kon Tum dự kiến sẽ cùng phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện 4 mô hình thí điểm giao đất, giao rừng cho cộng đồng từ nguồn quỹ đất và rừng được bàn giao cho địa phương trong quá trình sắp xếp lại hoạt động của các nông, lâm trường trên địa bàn các huyện Kon Rẫy, Kon Plong (Kon Tum), Bảo Yên, Văn Bàn (Lào Cai) với 2 mục tiêu chính: i) Tăng cường tiếp cận sử dụng và quản lý khoảng 1.500 ha đất lâm nghiệp và rừng có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho chính quyền địa phương trên địa bàn hai tỉnh  từ việc thực hiện sắp xếp đổi mới công ty Nông lâm nghiệp theo các quy định hiện hành của pháp luật cho 15 cộng đồng dân tộc thiểu số để quản lý, sử dụng có hiệu quả; ii) Xây dựng 01 đề xuất Quy trình giao đất, giao rừng cho cộng đồng trên cơ sở tiếp cận về bình đẳng giới và sự tham gia, đồng thuận của cộng đồng dựa trên nguyên tắc  tự nguyện, trước, và được thông tin đầy đủ (FPIC) của cộng đồng trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ thực hiện 4 mô hình thí điểm để khuyến nghị các cấp, ngành có liên quan phê duyệt áp dụng cho các địa phương khác.

Trên cơ sở các hoạt động dự án đã được thực hiện trên địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Kon Tum, dự án dự kiến tổ chức hội thảo “Giao đất, giao rừng cho cộng đồng: Khó khăn và giải pháp” với sự tham gia của các cấp, ngành liên quan để chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến trình giao đất, giao rừng cho cộng đồng trong thực tiễn.

II. Mục tiêu hội thảo

  • Chia sẻ kinh nghiệm thực tế triển khai hoạt động GĐGR cho các cộng đồng DTTS tại các địa phương
  • Phân tích những thành công, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong GĐGR cho cộng đồng DTTS và đề xuất các giải pháp.
  • Lựa chọn và thống nhất các bước trong GĐGR, vai trò của các bên liên quan trong quá trình GĐGR cho cộng đồng.

 III. Sản phẩm

Để giúp các đại biểu có kiến thức nền tảng về các Luật và các văn bản quy định/ hướng dẫn có liên quan, dự án  dự kiến mời 01 diễn giả để trình bày tại Hội thảo và cung cấp thông tin/ hỗ trợ điều hành thảo luận cho các đại biểu trong quá trình thảo luận về:

  • Các thủ tục giao và cấp giấy CNQSDĐ cho cộng đồng theo Luật đất đai (2013) và Luật Lâm nghiệp/ Nghị định 156 – Quy định và thực tế triển khai
  • Phân tích và đề xuất các giải pháp thực hiện giao đất đồng bộ với giao rừng rừng và đất rừng có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn Kon Tum và Lào Cai trên cơ sở bối cảnh địa phương và các quy định hiện hành của Luật đất đai, Luật Lâm nghiệp và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

Sản phẩm gồm:

  • 01 bài trình bày trực tiếp trong hội thảo
  • 01 báo cáo ngắn phân tích và đề xuất các nội dung, trình tự làm việc để thực hiện công tác GĐGR trong dự án đạt hiệu quả

 IV. Yêu cầu lựa chọn diễn giả

  • Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm tham gia vào quá trình xây dựng và/ hoặc thực hiện các Luật và quy định liên quan đến nội dung GĐGR nêu trên;
  • Có khả năng diễn đạt dễ hiểu;
  • Có kinh nghiệm điều hành-dẫn dắt thảo luận có sự tham gia;
  • Có kỹ năng viết báo cáo ngắn gọn, trọng tâm;

V. Dự kiến thời gian và ngân sách

  • Tư vấn sẽ tham gia trực tiếp tại hội thảo, dự kiến tổ chức tại Kon Tum ngày 27 tháng 5/2022. Tư vấn cần gửi bài trình bày tối thiểu 3 ngày trước ngày tổ chức hội thảo, và gửi báo cáo kết quả chậm nhất là 1 tuần sau ngày kết thúc hội thảo.
  • Tư vấn được chi trả trực tiếp cho 02 ngày làm việc (1 ngày chuẩn bị bài trình bày+ báo cáo sau chuyến đi; 1 ngày tham gia hội thảo) theo định mức thù lao được quy định trong Định mức chi phí EU- UN 2022. Các chi phí đi lại, ăn, ở trong quá trình đi tham gia hội thảo trực tiếp được chi trả theo định mức của dự án.

VI. Cách thức ứng tuyển

Ứng viên quan tâm gửi hồ sơ đăng ký (tiếng Anh hoặc tiếng Việt) bao gồm :

  1. Thư bày tỏ quan tâm cho vị trí “Chuyên gia tham gia Hội thảo”
  2. CV, Sơ yếu lý lịch cá nhân

Hồ sơ dự tuyển được tiếp nhận qua thư điện tử tại địa chỉ email: nha.ntt@cisdoma.org.vn hoặc bản cứng gửi về địa chỉ: Viện Tư vấn phát triển KTXH nông thôn và miền núi – CISDOMA, số 24 Khu K80C, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.

Liên hệ: 0243.784.3681/ 0987798115. Hạn cuối nhận hồ sơ 20/5/2021.

Lưu ý: Chúng tôi chỉ thông báo đến những ứng viên được lựa chọn vào danh sách ngắn.


[1]Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (2018).  ‘Kết quả theo dõi việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước’