Vị trí: Tư vấn thực hiện Khảo sát đầu kỳ và Nghiên cứu toàn diện về chuỗi giá trị quế
Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái nhằm cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở vùng cao phía Bắc Việt Nam”
Thời gian triển khai dự kiến: Từ 15/7- 15/9/2025
ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
Hoạt động: Khảo sát đầu kỳ và Nghiên cứu toàn diện về chuỗi giá trị quế
- Bối cảnh và lý do thực hiện
Lào Cai là vùng trồng quế lớn thứ hai cả nước (sau sáp nhập sẽ trở thành tỉnh lớn nhất), với tổng diện tích hơn 57.000 ha. Mỗi năm, tỉnh sản xuất hàng chục nghìn tấn nguyên liệu quế và tinh dầu phục vụ xuất khẩu, đạt tổng giá trị gần 800 tỷ đồng. Trồng quế được kết hợp linh hoạt với cây ngắn ngày trong giai đoạn đầu, mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 42.000 hộ dân. Cây quế được đánh giá là cây trồng lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, với thu nhập trung bình khoảng 70 triệu đồng/ha/năm, tương đương 700 triệu đồng trong chu kỳ 10 năm. Ngoài ý nghĩa kinh tế, cây quế còn góp phần trong bảo vệ đất, giữ rừng và cải thiện môi trường sinh thái vùng cao.
Tuy nhiên, thực trạng sản xuất quế hiện nay còn nhiều thách thức: Khảo sát thực tế cơ bản cho thấy, người dân vẫn gặp phải một số khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cụ thể là: (1) Sự mở rộng diện tích tự phát không kế hoạch của nông dân; (2) Kỹ thuật/thực hành trồng trọt không bền vững; (3) Hiểu biết kỹ thuật và nhận thức về yêu cầu thị trường còn hạn chế; (4) Sản phẩm quế có chất lượng thấp, đa số không có giấy chứng nhận; (5) Năng lực tổ chức còn hạn chế; (6) Mối liên kết lỏng lẻo giữa người sản xuất và các bên thị trường; (7) Thiếu hướng dẫn chiến lược và môi trường thuận lợi để thúc đẩy các thực hành bền vững trong sản xuất quế. Do đó, nhằm góp phần giải quyết những thách thức trên, Viện Tư vấn phát triển KT-XH Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lào Cai sẽ triển khai Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái nhằm cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở vùng cao phía Bắc Việt Nam” được thực hiện trong giai đoạn 6/2025 – 12/2027, do Tổ chức Bánh Mỳ Cho Thế giới tài trợ. Dự án do tại các xã Nậm Lúc, Nậm Đét (Bắc Hà), Chiềng Ken, Khánh Yên Thượng (Văn Bàn).
Mục tiêu cụ thể của dự án là: (01) Cải thiện sinh kế của các nông hộ dân tộc thiểu số một cách bền vững; (02) Các phương pháp nông nghiệp sinh thái trong sản xuất quế sẽ được tăng cường trong các chương trình/kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Để đảm bảo các hoạt động can thiệp của Dự án được xây dựng trên cơ sở thực tiễn và có căn cứ theo dõi – đánh giá hiệu quả, Dự án triển khai hai hoạt động nghiên cứu, bao gồm:
- Nghiên cứu toàn diện về chuỗi giá trị quế: Nghiên cứu toàn diện về ngành quế ở cấp Quốc gia và địa bàn nghiên cứu điểm tại tỉnh Lào Cai, tập trung vào tiềm năng thị trường, quy hoạch/phân vùng trồng quế, điều kiện và chính sách hỗ trợ, năng lực thể chế, các cơ hội và thách thức mà các tác nhân trong chuỗi giá trị Quế tại Lào Cai, đặc biệt là doanh nghiệp và các nông hộ trồng Quế đang phải đối mặt, đồng thời xác định các cơ hội, rào cản và định hướng chiến lược để phát triển bền vững ngành Quế nói chung và chuỗi giá trị quế tại Lào Cai nói riêng, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành và các tiêu chuẩn thương mại quốc tế.
- 2. Khảo sát đầu kỳ (Baseline Survey): Tiến hành khảo sát thông tin cơ bản đầu vào có sự tham gia tại các địa điểm triển khai dự án (tại các xã thuộc 2 huyện Văn Bàn và Bắc Hà cũ) để đánh giá hiện trạng, xác định nhu cầu, cơ hội, thách thức trong chuỗi gia trị quế tại địa phương (canh tác/sản xuất/chế biến ban đầu/bảo quản/đóng gói quế/vận chuyển/thương mại tại các vùng cảnh quan trồng quế, sử dụng các phương pháp đánh giá/phép đo để phân tích chuỗi giá trị/thị trường và kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Kết quả của hai nghiên cứu này sẽ được sử dụng để thiết kế nội dung chi tiết của các hoạt động dự án và các giá trị làm cơ sở cho công tác Giám sát và Đánh giá (M&E); và các khuyến nghị/ đề xuất để cải thiện các hoạt động tại các vùng cảnh quan sản xuất quế; cải thiện chất lượng và tăng cường hiệu quả của các chuỗi giá trị toàn diện của quế tại địa phương. Đồng thời, cung cấp cơ sở cho việc quy hoạch và phân vùng vùng trồng quế tại tỉnh Lào Cai theo hướng hữu cơ, sinh thái gắn với nhu cầu thị trường.
Vì vậy, để đảm bảo các hoạt động khảo sát đầu vào và nghiên cứu toàn diện ngành hàng quế được thực hiện một cách khách quan, chuyên sâu và đúng tiến độ, Dự án sẽ tiến hành tuyển chọn nhóm tư vấn có năng lực và kinh nghiệm phù hợp để triển khai hai hoạt động nói trên. Các tư vấn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết kế phương pháp khảo sát phù hợp với điều kiện thực địa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan ở địa phương tổ chức thu thập và phân tích dữ liệu, viết báo cáo khảo sát. Các kết quả nghiên cứu làm cơ sở xây dựng các khuyến nghị thực tiễn, góp phần thiết kế và triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm đạt mục tiêu Dự án.
- Mục tiêu khảo sát
- Nghiên cứu toàn diện về chuỗi giá trị quế: Nhằm phân tích toàn diện ngành Quế ở cấp Quốc gia và địa bàn nghiên cứu điểm tại tỉnh Lào Cai nhằm đề xuất định hướng chiến lược phát triển chuỗi giá trị quế theo hướng bền vững, hữu cơ và gắn với thị trường.
- Khảo sát đầu kỳ (Baseline Survey): Nhằm đánh giá hiện trạng chuỗi giá trị quế tại địa bàn triển khai dự án, xác định nhu cầu, cơ hội/thách thức và khoảng cách trong thực hành sản xuất quế tại các địa điểm triển khai dự án, từ đó xác lập giá trị cơ sở cho công tác theo dõi – đánh giá (M&E) và đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng chuỗi giá trị quế trên địa bàn dự án.
III. Phạm vi khảo sát, nghiên cứu
3.1. Địa bàn khảo sát:
– Nghiên cứu toàn diện chuỗi giá trị quế: Cấp Quốc gia và nghiên cứu điểm tại tỉnh Lào Cai
– Khảo sát đầu kỳ: 4 xã dự án xã (Nậm Lúc, Nậm Đét thuộc huyên Bắc Hà cũ), (Chiềng Ken, Khánh Yên Thượng thuộc huyện Văn Bàn cũ) của tỉnh Lào Cai (Lưu ý sau sáp nhập là các xã Bảo Nhai và Cốc Lầu; Văn Bàn, Chiềng Ken theo Nghị quyết số 60-NQ/TU ngày 17/4/2025 của Tỉnh ủy Lào Cai và Nghị quyết số 1673/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2025).
- Phạm vi công việc/ Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu toàn diện về chuỗi giá trị quế, các câu hỏi nghiên cứu sẽ tập trung vào các nội dung sau:
- Đánh giá tiềm năng thị trường tiêu thụ sản phẩm quế trong và ngoài nước;
- Rà soát hiện trạng và đề xuất quy hoạch/phân vùng vùng trồng quế phù hợp;
- Đánh giá năng lực thể chế và mức độ sẵn sàng của các bên liên quan trong việc tham gia vào chuỗi giá trị;
- Xác định các cơ hội và rào cản chính, từ đó đề xuất các định hướng chiến lược nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị quế tại các địa bàn can thiệp.
- Phân tích các điều kiện hỗ trợ và chính sách liên quan đến phát triển ngành quế ở cả hai cấp độ: cấp quốc gia và cấp địa phương
Nội dung |
Chỉ số chính |
Loại dữ liệu |
Tiềm năng thị trường & Chuỗi giá trị |
– Danh sách (số lượng và phân loại) các kênh thị trường hiện có (nội địa, xuất khẩu) – Giá bán trung bình theo từng phân khúc sản phẩm, nhu cầu thị trường hiện tại và dự báo (Ước tính nhu cầu hiện tại và xu hướng thị trường) – Danh sách doanh nghiệp, HTX, đơn vị chế biến/thương mại tham gia chuỗi giá trị |
Định tính và định lượng |
Quy hoạch vùng trồng quế |
– Số liệu diện tích vùng trồng hiện tại so và theo quy hoạch – Tỷ lệ vùng trồng có chứng nhận tiêu chuẩn/chứng chỉ bền vững/sinh thái (FSC, VFSC/PEFC, GAP, OCOP, hữu cơ…) – Bản đồ vùng trồng và kế hoạch phân bố theo địa bàn (Thu thập, rà soát và tổng hợp dữ liệu thứ cấp (bản đồ và bản đồ chất lượng đất)) – Xác định ảnh hưởng của hàm lượng kim loại nặng trong đất đến hàm lượng kim loại nặng trong cây quế tại Văn Bàn, Bắc Hà / Xây dựng hướng dẫn quy trình canh tác phù hợp – Phân tích mẫu (sản phẩm quế, đất, các yếu tố đầu vào sản xuất khác) … |
Định tính, định lượng |
Điều kiện hỗ trợ và chính sách liên quan hiện hành |
– Điều kiện hỗ trợ (bao gồm các điều kiện tự nhiên – kinh tế – xã hội hỗ trợ việc phát triển ngành hàng quế ) tại Lào Cai – Các hỗ trợ kỹ thuật – Các loại hình chính sách hiện hành liên quan đến ngành quế (cấp quốc gia, cấp địa phương) (i) cấp quốc gia – bao gồm các chiến lược phát triển ngành lâm sản ngoài gỗ, tiêu chuẩn chất lượng, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc, tín dụng ưu đãi và phát triển vùng nguyên liệu; và (ii) cấp địa phương – như quy hoạch vùng trồng, chương trình hỗ trợ mô hình sản xuất, chỉ dẫn địa lý, OCOP, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng quế…. Từ đó, báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể, khả thi và có tính thực tiễn cao, nhằm hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động cho địa phương, đồng thời đóng góp vào đối thoại chính sách ở cấp trung ương góp phần điều chỉnh hoặc bổ sung chính sách liên quan đến ngành hàng quế – Danh mục chương trình, dự án liên quan đang triển khai tại địa phương – Mức độ tiếp cận và thụ hưởng chính sách của các tác nhân trong chuỗi |
Định tính |
Năng lực thể chế và mức độ sẵn sàng |
– Đánh giá năng lực tổ chức và phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, HTX, DN – Phân tích và đánh giá mức độ hiểu biết và sự tham gia vào chuỗi giá trị của các bên liên quan, đặc biệt là Doanh nghiệp, Hiệp Hội, các tác nhân phi Nhà nước trong nghiên cứu. – Tình trạng sẵn sàng áp dụng tiêu chuẩn chất lượng và thực hành sản xuất bền vững |
Định tính |
Phân tích SWOT ngành hàng |
– Ma trận SWOT theo từng tỉnh/huyện/xã can thiệp – Các rào cản chính và tiềm năng phát triển cần khai thác |
Định tính |
Quy hoạch/định hướng chiến lược phát triển |
– Các khuyến nghị về chính sách và giải pháp kỹ thuật để củng cố chuỗi giá trị |
Định tính |
Khảo sát đầu kỳ, các câu hỏi nghiên cứu tập trung để thu thập, phân tích, đánh giá các nội dung sau:
- Thông tin ban đầu để làm dữ liệu nền cho thiết kế hoạt động dự án và theo dõi – đánh giá (M&E).
- Nhu cầu đào tạo và nâng cao năng lực cho các đối tượng khác nhau
- Hiện trạng, các vấn đề, nhu cầu, thách thức và cơ hội trong chuỗi giá trị quế tại địa bàn dự án.
- Các khoảng trống chính sách và mức độ tiếp cận của các nhóm đối tượng mục tiêu (nông hộ, cán bộ kỹ thuật, HTX, doanh nghiệp…) đối với các chính sách hiện có.
- Các giải pháp cải thiện sản xuất, chất lượng và thị trường theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế
Nội dung |
Chỉ số chính |
Loại dữ liệu |
||
Hiện trạng canh tác quế
|
Tổng diện tích, diện tích theo tuổi cây, diện tích dự kiến cho khai thác từ 2025 – 2030, năng suất, loại giống, hình thức canh tác (tự nhiên, hữu cơ, xen canh…), phương pháp chăm sóc, sử dụng phân thuốc… |
Định lượng và định tính |
||
Điều kiện tự nhiên |
Địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước… |
Định tính |
||
Kinh tế – xã hội (bao gồm thu nhập các hộ gia đình dự kiến tham gia dự án) |
Thông tin chung về hộ gia đình Thu nhập hộ trong 12 tháng gần nhất, chia theo nguồn thu như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp (trồng quế, xen canh, chăn nuôi…); Thu nhập từ việc làm thuê, buôn bán, hỗ trợ nhà nước; Thu nhập từ quế (chi tiết theo bán vỏ, cành lá, tinh dầu, gỗ, v.v.); Chi phí sản xuất để tính thu nhập ròng; Các biến động mùa vụ (nếu có)… Thu nhập từ quế (% tổng thu nhập), nghề phụ, tình trạng việc làm, mức độ nghèo…. Sự tham gia của phụ nữ và hiện trạng lao động trẻ em trong sản xuất nông nghiệp và trong sản xuất, thương mại quế |
Định lượng (qua bảng hỏi hộ) /định tính |
||
Môi trường |
Vấn đề đất thoái hóa, lạm dụng hóa chất, giảm đa dạng sinh học, cách thức xử lý chất thải, phụ phẩm trong trồng và sản xuất quế, |
Định tính |
||
Tiềm năng thị trường & Chuỗi giá trị tại địa bàn dự án |
– Thông tin về thu mua, chế biến, thị trường, giá trị gia tăng Nhu cầu, thách thức/ khó khăn và cơ hội trong chuỗi giá trị….. – Sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là Doanh nghiệp, Hiệp Hội, HTX, đơn vị chế biến/ thương mại, các tác nhân phi Nhà nước trong chuỗi giá trị quế tại các địa bàn triển khai dự án. – Danh sách (số lượng và phân loại) các kênh thị trường hiện có (nội địa, xuất khẩu) – Giá bán trung bình theo từng phân khúc sản phẩm, nhu cầu thị trường hiện tại và dự báo (Ước tính nhu cầu hiện tại và xu hướng thị trường) – Các nguồn cung đầu vào hiện có tại địa phương, các khó khăn, thách thức…. – Sự khác nhau giữa nam và nữ trong chuỗi giá trị quế – Các khoảng trống chính sách và mức độ tiếp cận của các nhóm đối tượng mục tiêu (nông hộ, cán bộ kỹ thuật, HTX…) đối với các chính sách, chương trình hỗ trợ sản xuất, tín dụng, đào tạo kỹ thuật và chứng nhận chất lượng hiện hành…. – Khả năng áp dụng, mức độ tiếp cận các chính sách hiện hành trong thực tiễn địa phương, từ đó đề xuất các kiến nghị điều chỉnh, lồng ghép hoặc bổ sung chính sách phù hợp để thúc đẩy canh tác bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án. |
Định tính/ định lượng |
||
Nhu cầu đào tạo và nâng cao năng lực |
Thực trạng năng lực về: sản xuất, chế biến, đóng gói và thương mại quế, Kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối/ tiếp cận thị trường, kỹ thuật canh tác; Nhu cầu và khoảng cách năng lực của các nhóm mục tiêu |
Định tính |
3.3. Đối tượng nghiên cứu
- Nông dân, HTX, doanh nghiệp, cán bộ quản lý địa phương, cán bộ kỹ thuật
- Các nhóm đối tượng chính/các bên liên quan trong chuỗi giá trị quế (bao gồm các doanh nghiệp trong chuỗi0
- Phương pháp nghiên cứu
Hai hoạt động nghiên cứu sẽ áp dụng phương pháp kết hợp định tính và định lượng nhằm đảm bảo đánh giá toàn diện, khách quan và phù hợp với bối cảnh thực tiễn địa phương, từ đó hệ thống hóa các tiêu chí, chỉ số và phân tích kết quả một cách logic, minh bạch.
Việc nghiên cứu đồng thời chuỗi giá trị quế ở cấp địa phương và cấp quốc gia có tác động bổ trợ lẫn nhau: phân tích ở cấp địa phương cung cấp “lát cắt thực tiễn” để phản ánh hiệu quả triển khai chính sách quốc gia, đồng thời làm cơ sở đề xuất điều chỉnh chính sách theo hướng từ dưới lên.
4.1. Phương pháp nghiên cứu toàn diện chuỗi giá trị quế
– Phân tích tài liệu thứ cấp: Tổng hợp và phân tích các tài liệu hiện có từ địa phương đến cấp trung ương, dữ liệu thị trường, chính sách quốc gia, thống kê sản xuất nông – lâm nghiệp, báo cáo khoa học liên quan đến ngành quế…
– Áp dụng khung phân tích chuỗi giá trị: Đánh giá các tác nhân, mối liên kết, chuỗi giá trị và các yếu tố hỗ trợ trong chuỗi sản phẩm quế từ sản xuất đến thị trường.
– Phân tích SWOT theo địa bàn: Xác định điểm mạnh – điểm yếu – cơ hội – thách thức của chuỗi giá trị tại mỗi xã/ huyện/tỉnh.
– Phỏng vấn các tác nhân trong chuỗi giá trị: doanh nghiệp, HTX, và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật/chứng nhận, người dân: Nhằm hiểu rõ hơn về thị trường, chính sách, tiềm năng đầu tư và khoảng trống cần can thiệp.
– Tham vấn các bên liên quan: Thảo luận đa bên để làm rõ kết quả sơ bộ và xác thực các khuyến nghị chính sách, kỹ thuật.
– Sử dụng bản đồ GIS và dữ liệu không gian (nếu có)
4.2. Phương pháp khảo sát đầu kỳ (Baseline Survey)
- Phân tích tài liệu thứ cấp: Tổng hợp và phân tích các tài liệu hiện có từ chính quyền địa phương, báo cáo dự án, thống kê sản xuất nông – lâm nghiệp, báo cáo khoa học liên quan đến ngành quế.
- Khảo sát hộ gia đình: Thu thập dữ liệu định lượng từ các hộ nông dân thông qua bảng hỏi có cấu trúc, tập trung vào sản xuất quế, thu nhập, kỹ thuật canh tác, kết nối thị trường, và nhu cầu nâng cao năng lực….
- Thảo luận nhóm tập trung (FGD) và phỏng vấn sâu (KII): Làm việc với nông dân, hợp tác xã, cán bộ kỹ thuật và cán bộ địa phương để làm rõ các thực hành sản xuất hiện tại, khó khăn và đề xuất hỗ trợ.
- Phân tích khoảng cách năng lực: Đối với cán bộ dự án, cán bộ kỹ thuật và cộng đồng địa phương, để làm cơ sở xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp.
- Sản phẩm mong đợi
- Báo cáo nghiên cứu toàn diện về chuỗi giá trị quế tại Việt Nam hoàn thiện, cung cấp cái nhìn toàn diện về từng mắt xích trong chuỗi giá trị (sản xuất, thu mua, chế biến, thị trường). Báo cáo phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức ở mỗi khâu; đồng thời xác định các tác nhân chính tham gia vào chuỗi (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp…) và mối liên kết giữa họ. Bên cạnh đó, nội dung báo cáo bao gồm các phân tích chuyên sâu liên quan đến kỹ thuật canh tác, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường, cơ chế chính sách và năng lực thể chế hỗ trợ chuỗi giá trị…để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu xuất khẩu. Trên cơ sở đó, báo cáo đưa ra các chiến lược và khuyến nghị thực tiễn nhằm hỗ trợ xây dựng kế hoạch can thiệp hiệu quả trong khuôn khổ Dự án và thúc đẩy đối thoại chính sách ở cấp địa phương, đặc biệt là đề xuất định hướng chiến lược phát triển chuỗi giá trị quế theo hướng bền vững, hữu cơ và gắn với thị trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung.
- Báo cáo khảo sát đầu kỳ tại địa bàn triển khai dự án, bao gồm các báo cáo thành phần sau:
- Báo cáo phân tích thông tin dữ liệu đầu vào ( bao gồm các mẫu biếu để theo dõi, đánh giá) phục vụ việc thiết kế, triển khai và theo dõi- đánh giá các hoạt động dự án, bao gồm thông tin về hiện trạng canh tác, điều kiện kinh tế- xã hội- môi trường, thu nhập, sản lượng, cơ cấu giống/quy trình sản xuất, thói quen canh tác, mức độ tiếp cận thị trường,….Dữ liệu này sẽ dùng làm baseline cho theo dõi – đánh giá (M&E)
- Báo cáo đánh giá nhu cầu đào tạo và nâng cao năng lực sẽ được thực hiện đối với các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm cán bộ thực hiện dự án, cán bộ kỹ thuật và người dân. Mục tiêu của báo cáo là xác định năng lực hiện tại, phân tích khoảng cách về năng lực và nhận thức, đồng thời làm rõ các nhu cầu đào tạo cụ thể. Trên cơ sở đó, báo cáo sẽ đề xuất chương trình đào tạo phù hợp, tập trung vào các nội dung như kỹ thuật canh tác, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, marketing… và các chủ đề liên quan nhằm nâng cao hiệu quả triển khai dự án
- Chuỗi giá trị quế trên địa bàn triển khai dự án, bao gồm các thông tin về thu mua, chế biến, thị trường, giá trị gia tăng, nhu cầu, thách thức/ khó khăn và cơ hội, sự tham gia của tác nhân trong chuỗi giá trị quế tại địa phương…
- Nhiệm vụ và yêu cầu về nhóm tư vấn:
6.1. Nhiệm vụ đối với nhóm tư vấn
– Thiết kế khung phương pháp khảo sát phù hợp với mục tiêu dự án, kết hợp định tính và định lượng.
– Xây dựng công cụ khảo sát hộ dân, nhóm thảo luận (FGD), phỏng vấn sâu để thu thập thông tin đã được nêu ở mục III.
– Tổ chức khảo sát thực địa tại các xã dự án, đảm bảo đại diện và dữ liệu đầy đủ, khách quan.
– Phân tích dữ liệu, xây dựng các báo cáo theo yêu cầu
6.3. Yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm nhóm tư vấn:
- Năng lực chuyên môn:
- Có trình độ chuyên môn Thạc sỹ trở lên, phù hợp trong các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông nghiệp, phân tích chuỗi giá trị, nghiên cứu phát triển hoặc lĩnh vực liên quan.
- Ưu tiên tư vấn có kiến thức chuyên sâu về chuỗi giá trị các loại cây lâm sản ngoài gỗ (như quế), đặc biệt khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
- Có khả năng soạn thảo và trình bày báo cáo chuyên môn bằng tiếng Việt rõ ràng; tiếng Anh là một lợi thế (nếu có yêu cầu nộp báo cáo song ngữ).
- Kinh nghiệm thực tiễn:
- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong thiết kế và triển khai khảo sát định lượng/định tính, đánh giá đầu kỳ và nghiên cứu chuỗi giá trị trong các dự án phát triển.
- Ưu tiên tư vấn có kinh nghiệm làm việc với các tổ chức xã hội dân sự (NGOs), NGO, các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước liên quan trong chuỗi giá trị quế
- Có kinh nghiệm làm việc về chuỗi giá trị cây quế là một lợi thế
- Kỹ năng cần thiết:
- Thành thạo các công cụ thiết kế khảo sát, phân tích dữ liệu (ví dụ: Excel, kobotoolbox, google form, NVivo…) và viết báo cáo chuyên sâu.
- Kỹ năng làm việc nhóm, phối hợp với nhiều bên liên quan và tổ chức tham vấn cộng đồng hiệu quả
- Có khả năng tổng hợp, phân tích logic và trình bày rõ ràng những khuyến nghị mang tính thực tiễn.
- Quản lý thời gian tốt, cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng sản phẩm và bảo mật thông tin theo yêu cầu của Dự án.
VII. Cách tổ chức thực hiện
- Thời gian thực hiện: Từ 15/7- 15/9/2025
- Thành phần tham gia:
- Nhóm khảo sát gồm: Nhóm tư vấn, Nhóm cán bộ triển khai dự án (CISDOMA, Ban quản lý dự án Nông nghiệp sinh thái)
- Hỗ trợ tổ chức: BQL và UBND các xã Nậm Lúc, Nậm Đét, Chiềng Ken, Khánh Yên Thượng
- Phân công công việc:
STT |
Nội dung công việc |
Thời gian dự kiến |
Phụ trách chính |
1 |
Tuyển chọn tư vấn |
30/6-15/7 |
CISDOMA |
2 |
LKH thực địa, hoàn thành bộ công cụ |
20/7-30/7 |
CISDOMA, nhóm tư vấn, BQL |
3 |
Tập huấn bộ công cụ |
31/7-20/8 |
Nhóm tư vấn |
4 |
Triển khai khảo sát tại thực địa |
Nhóm tư vấn, HND tỉnh Lào Cai, CISDOMA |
|
5 |
Nhập, phân tích thông tin và viết báo cáo |
20/8-15/9 |
Nhóm tư vấn |
- Ngân sách: Chi theo Định mức chi của dự án cho hoạt động
- Thông tin liên hệ
Các cá nhân/ đơn vị quan tâm vui lòng gửi hồ sơ đến:
Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA)
Địa chỉ: Nhà 118, ngách 95/8, Chùa Bộc, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Email: info@cisdoma.org.vn ; SĐT: (+84) 24 3784 3678 ; nha.ntt@cisdoma.org.vn; SĐT: 0987.798.115
- Tiêu đề thư: Hồ sơ ứng tuyển tư vấn khảo sát chuỗi giá trị quế
- Thời gian nhận hồ sơ: Trước 17:00 ngày 15 tháng 7 năm 2025
Hồ sơ bao gồm các thông tin sau:
- CV các thành viên nhóm tư vấn
- Đề xuất kỹ thuật và Khái toán ngân sách khảo sát
- 02 sản phẩm đã thực hiện (Báo cáo, Đề xuất…) minh chứng năng lực và kinh nghiệm