Thị xã Ngã Năm là khu vực thuộc tỉnh Sóc Trăng, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực tiềm ẩn nguy cơ phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu như xu hướng xâm nhập mặn ngày càng nhiều trong khu vực. Năm 2018-2019, với sự hỗ trợ của dự án Sinh kế thích ứng đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương tại Việt Nam” do tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới (BfdW), Tổ chức phi chính phủ của Úc – Action On Poverty (AOP) tài trợ, Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) cùng với Ban quản lý dự án sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mô hình canh tác lúa theo quy trình hữu cơ. Mô hình này nhằm mục đích bước đầu để người dân hiểu được quy trình, kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hữu cơ, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tăng thu nhập cho người dân từ nghề trồng lúa.
Với quy trình canh tác hữu cơ, lúa cấy/ sạ thưa, lượng giống ít, cây phát triển mạnh, đẻ nhánh khỏe khóm lúa to, rễ dài hơn, thân chắc, lá dày chống chịu tốt với mưa gió bão tố của BĐKH. Về quy trình kỹ thuật, mô hình đã tuân thủ 5 không bao gồm: 1) Không cho phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học, trừ cỏ hóa học;2) Không cho phép sử dụng các loại phân bón hoá học;3) Không cho phép sử dụng giống, chất biến đổi gene; 4) Không sử dụng chất kích thích, hooc môn tăng trưởng và kháng sinh; 5) Không sử dụng bùn thải, bùn cống hoặc phân bón hữu cơ không rõ nguồn gốc (không công nhận) và 5 có, bao gồm 1) Ghi chép nhật ký sản xuất, nguồn gốc đầu vào, sản phẩm; 2) Kết quả kiểm tra sản phẩm không nhiễm các chất cấm; 3) Có trách nhiệm cộng đồng và môi trường, trung thực và minh bạch trong sản xuất; 4) Đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ đã đăng ký (đang kiểm tra, đánh giá); 5) Hài hòa hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường.
Mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ thích hợp với vùng canh tác 2 vụ lúa của khóm 5, phường 1, thị xã Ngã Năm. Mô hình được triển khai trên diện tích 10 ha của 10 hộ gia đình, được doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí bao tiêu. Với giống lúa ST24 vụ Đông Xuân 2018-2019 đã mang lại hiệu quả cao, năng suất vụ Đông Xuân 2018-2019 là 5,8 tấn/ ha, tổng chi phí là 17.826.000 đ, giá bán 8000 đ/ kg, lợi nhuận 28.574.000 đ/ ha so với canh tác theo truyền thống vụ Đông Xuân 2017-2018 năng suất là 5.98 tấn/ ha, giá bán 6.000 đ/ kg, với tổng chi phí của cả hai hình thức canh tác tương đương nhau thì lợi nhuận của canh tác truyền thống chỉ 18.054.000 đ/ha, thấp hơn nhiều so với canh tác theo quy trình hữu cơ.
Với hiệu quả đó vụ Hè Thu 2019, nhóm hộ lại tiếp tục sản xuất theo quy trình hữu cơ và thử nghiệm với giống gạo đỏ, giống lúa bà con đã và đang cấy theo hướng hữu cơ hiện nay là ST24 và Gạo đỏ đều chịu được mặn 2%o., thích ứng được với xâm nhập mặn nhẹ. Trong điều kiện thời tiết tốt năng suất của giống lúa gạo đỏ này có thể đạt 8 tấn/ha ở vụ Đông Xuân và 6.5 tấn/ha ở vụ Hè Thu. Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh- đơn vị bao tiêu sản phẩm cho vụ Hè Thu 2019 đã cho đoàn kiểm tra về đánh giá để tiến tới làm chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm.
Về mặt môi trường, mô hình lúa theo hướng hữu cơ loại bỏ các hóa chất độc hại, từ diệt cỏ, trừ sâu, bệnh tới phân bón hóa học giữ gìn môi trường trong sạch, bảo đảm sức khỏe người nông dân và cung cấp sản phẩm sạch cho xã hội. Về mặt hiệu quả kinh tế, như phân tích thì sản xuất theo hướng hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao hơn, gạo được sản xuất có chất lượng cao, sạch có thương hiệu, giá bán ổn định và cao hơn gạo thường. Như vậy khả năng tổn thương về mặt tài chính do biến đối khí hậu giảm và khả năng thích ứng cũng tốt lên cả về tài chính và về sinh thái.
Anh Võ Long Vương, 41 tuổi, khóm 5, phường 1, thị xã Ngã Năm là 1 thành viên trong nhóm thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ chia sẻ: “Lúa này trồng ra chất lượng gạo ngon hơn (người ta nói thế) chứ tôi không có mà ăn, chỉ để bán cho doanh nghiệp. Giá bán được 8.000đ/kg cao hơn lúa thường 2.000đ và được bao tiêu, bao nhiêu cũng hết. Nói chung là khỏe, cả về tiêu thụ, cả về sức khỏe của mình, sức khỏe môi trường và sức khỏe người tiêu dùng vì không sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV. Chúng tôi cũng đang cố nhân rộng, nhưng cũng sợ bà con không tuân thủ quy trình, không tự giác rồi làm hỏng chuyện”
Canh tác lúa theo hướng hữu cơ không còn xa lạ trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên với người dân ở thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, một nơi mà cây lúa đang là cây trồng chính thì biện pháp canh tác này vẫn còn khá mới mẻ và chưa được áp dụng rộng rãi. Việc triển khai mô hình trên địa bàn bước đầu giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tăng thu nhập từ cây lúa.